Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 12/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 61.303 trường hợp dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), tăng 1.650 ca so với 1 ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.951 người dân ở khu vực này, tăng 41 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 17.656 trường hợp.
Trong vòng 24 giờ qua, Singapore là quốc gia có số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 884 ca; Philippines ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 25 trường hợp.
Quốc gia |
Tổng số ca nhiễm |
Ca nhiễm mới |
Tổng ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Singapore |
24.671 |
+884 |
21 |
|
3.851 |
Indonesia |
14.749 |
+484 |
1.007 |
+16 |
3.063 |
Philippines |
11.350 |
+264 |
751 |
+25 |
2.106 |
Malaysia |
6.742 |
+16 |
109 |
|
5.223 |
Thái Lan |
3.017 |
+2 |
56 |
|
2.798 |
Việt Nam |
288 |
|
|
|
252 |
Myanmar |
180 |
|
6 |
|
74 |
Brunei |
141 |
|
1 |
|
134 |
Campuchia |
122 |
|
|
|
121 |
Timor-Leste |
24 |
|
|
|
21 |
Lào |
19 |
|
|
|
13 |
Trong 1 ngày qua, Singapore vẫn là quốc gia thành viên ASEAN có số ca mắc bệnh cao nhất.
Theo Bộ Y tế Singapore, ngày 12/5, nước này ghi nhận 884 trường hợp mắc COVID-19, đưa số ca mắc bệnh ở "đảo quốc sư tử" lên 24.671 người, trong đó có 21 người tử vong. Khoảng 90% số người mắc COVID-19 tại Singapore liên quan đến các khu tập thể dành cho người lao động nước ngoài.
Người dân Singapore đã có thể đi cắt tóc hoặc ăn uống vỉa hè đường phố kể từ ngày 12/5 khi chính phủ nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế, 3 tuần trước khi lệnh phong tỏa một phần kết thúc.
Chính phủ Singapore cho biết mặc dù số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Singapore vẫn tăng do có sự lây lan giữa những lao động nước ngoài sống tại các khu chung cư đông đúc, song tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng đã giảm. Do đó, chính phủ quốc gia Đông Nam Á này lên kế hoạch mở lại nền kinh tế theo từng giai đoạn.
Theo đó, 5 tuần sau khi đóng cửa, các cửa tiệm làm đầu và cắt tóc, các công ty chế biến thực phẩm, các cửa hàng bán lẻ, các tiệm giặt là có thể mở lại với các biện pháp giám sát y tế chặt chẽ. Các cửa tiệm làm đầu chỉ nhận khách đã đặt trước và phải dán yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang trước khi vào cửa hàng. Giới chức Singapore cũng khuyến cáo người dân nước này không nên ồ ạt ra đường không có lý do để giữ an toàn cho đất nước.
Chính phủ Indonesia cho biết nước này ghi nhận 16 ca tử vong do mắc COVID-19 trong ngày 12/5, nâng tổng số ca tử vong do nhiễm virus tại quốc gia quần đảo này lên thành 1.007 người, mức cao nhất ở Đông Nam Á.
Indonesia cũng xác nhận 484 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 trên cả nước lên thành 14.749. Trong khi đó, có thêm 182 người đã ra viện, nâng tổng số bệnh nhân bình phục lên thành 3.063 người.
Chính phủ Indonesia đã công bố chương trình phục hồi kinh tế trị giá 318.090 tỷ rupiah (21,28 tỷ USD) nhằm hỗ trợ, duy trì và củng cố các doanh nghiệp, trong đó tập trung bơm vốn cho các doanh nghiệp nhà nước (SOE) và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ.
Theo quy định về chương trình phục hồi kinh tế quốc gia có hiệu lực hôm 11/5, Chính phủ Indonesia sẽ triển khai các nỗ lực nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Các nỗ lực này sẽ được thực hiện thông qua việc bơm vốn nhà nước cho một số ngân hàng và công ty bảo hiểm quốc doanh. Ngoài ra, chính phủ cũng có thể thực hiện chương trình này thông qua các chính sách chi tiêu công.
Ngày 12/5, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết việc áp dụng các quy tắc xử phạt trong thời gian giãn cách xã hội quy mô lớn (PSBB) sẽ chỉ được áp dụng sau khi chính quyền hoàn tất việc phát miễn phí khẩu trang cho tất cả công dân Jakarta.
Quy định vấn đề xử phạt đối với những cư dân không sử dụng khẩu trang khi ra khỏi nhà, nơi công cộng hoặc các cơ sở công cộng trong thời gian PSBB sẽ bị xử phạt dưới hình thức cảnh báo bằng văn bản, phạt tiền tối đa 250.000 Rupiah (khoảng 380.000 VND).
Bộ Y tế Philippines ngày 12/5 cho biết nước này đã ghi nhận 25 ca tử vong do mắc bệnh COVID-19 và 264 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong một thông báo, bộ này cho hay tổng số ca tử vong trên cả nước do mắc COVID-19 đã tăng lên thành 751 người và tổng số bệnh nhân là 11.350 người.
Trong khi đó, có thêm 107 bệnh nhân hồi phục, nâng tổng số trường hợp được chữa khỏi lên thành 2.106. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 12/5 đã tuyên bố kéo dài các biện pháp phong tỏa tại thủ đô Manila tới tháng 6.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 từ ngày 16/5 tới. Một số công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ở thủ đô Manila sẽ được phép mở cửa trở lại với 50% công suất.
Bên cạnh đó, Tổng thống Duterte cũng khuyến cáo người dân khi quay lại làm việc phải tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn. Theo ông, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế không có nghĩa dịch COVID-19 đã được đẩy lui và quốc gia Đông Nam Á này không thể chống đỡ làn sóng thứ 2 của dịch bệnh.
Thái Lan tiếp tục kìm dịch bệnh trong vòng kiểm soát, khi nước này trong 24 giờ qua chỉ ghi nhận 2 ca COVID-19, nâng tẩng số ca mắc bệnh tới hết ngày 12/5 là 3.017 trường hợp, trong đó có 56 người tử vong.
Ngày 12/5, khu vực tư nhân ở Thái Lan đang kêu gọi chính phủ nước này tiếp tục nới lỏng các biện pháp phong tỏa để cho phép những lĩnh vực kinh doanh khác, đặc biệt là liên quan đến du lịch và các chuỗi cung ứng, được tái khởi động nhằm ngăn chặn tình trạng thất nghiệp leo thang.
Chủ tịch Đại học Thương mại Thái Lan (UTCC) Thanavath Phonvichai cho biết khảo sát mới nhất trên toàn quốc cho thấy mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp là nới lỏng các biện pháp phong tỏa của chính phủ càng sớm càng tốt để ngăn không cho tình trạng gián đoạn kinh doanh xảy ra thêm nữa.
Thái Lan bắt đầu giai đoạn 1 của tiến trình nới lỏng phong tỏa từ ngày 3/5 nhưng Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho tới hết tháng 5. Giai đoạn 2 của tiến trình gồm 4 giai đoạn này dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 17/5 nếu số ca mắc COVID-19 mới không tăng.
Tại Lào, trong cuộc họp báo chiều 12/5, Bộ Y tế Lào cho biết nước này không phát hiện bệnh nhân mắc COVID-19 trong 30 ngày liên tiếp. Tính tới nay, Lào ghi nhận 19 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 13 người đã bình phục.
Cục Quản lý Xuất - Nhập cảnh, Bộ An ninh Lào cũng vừa ra thông báo cho biết nước này sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện thông báo số 703/CXNC, ban hành ngày 30/3/2020, về tăng cường quản lý nghiêm ngặt việc xuất - nhập cảnh trong giai đoạn chống dịch COVID-19.
Theo đó, các chuyên gia, kỹ thuật viên, lao động của các dự án xây dựng đường sắt, đường cao tốc, các dự án quan trọng cần thiết có thể xuất - nhập cảnh Lào nhưng phải có sự cho phép của Ủy ban Chỉ đạo Trung ương Lào về phòng chống COVID-19 và Bộ Ngoại giao Lào, đồng thời phải thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế và các quy định liên quan.
Thông báo cũng nghiêm cấm các cơ quan chức năng Lào không được phạt quá hạn lưu trú đối với người nước ngoài và người không có quốc tịch được phép xuất cảnh Lào trong giai đoạn này.
Trong 24 giờ qua, Việt Nam, Campuchia, Brunei và Timor Leste tiếp tục thành công trong nỗ lực khống chế đại dịch COVID-19, khi không ghi nhận bất kỳ ca tử vong hay dương tính với virus SARS-CoV-2 nào.