Tình hình COVID-19 hết ngày 6/6 tại ASEAN: Toàn khối vượt mốc 100.000 ca bệnh; Indonesia có số người mắc mới cao kỷ lục

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 6/6 (giờ Việt Nam), số người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vượt mốc 100.000, số người tử vong cũng tăng lên trên 3.000.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kêu gọi người dân xét nghiệm COVID-19 tại một khu chợ ở Jakarta, Indonesia ngày 2/6. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 6/6, ASEAN có 2.091 ca mắc COVID-19, trong đó ca bệnh chủ yếu tập trung ở Indonesia, Philippines và Singapore. Ba nước khác ghi nhận ca mắc trong ngày 6/6 là Malaysia (37 ca), Thái Lan (2 ca) và Việt Nam (1 ca). Các nước còn lại không có ca mắc trong 24 giờ qua.

Tình hình tại Indonesia vẫn nghiêm trọng nhất khi số ca mắc trong ngày 6/6 cao kỷ lục với 993 ca. Hai nước có số ca mắc trong 24 giờ qua cũng ở mức ba con số là Philippines với 714 ca và Singapore với 344 ca. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 hàng ngày ở Singapore đã giảm bớt trong những ngày gần đây.

Trong 24 giờ qua, chỉ có ba nước ghi nhận ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19 là Indonesia với 31 ca, Philippines với 7 ca và Malaysia với 1 ca. Xét về tổng số ca tử vong, Indonesia cao nhất ASEAN với 1.801 ca tính tới hết 6/6, tiếp đó là Philippines với 994 ca. Các nước còn lại có số ca tử vong trên dưới 100, trong đó có những nước chưa ghi nhận ca tử vong nào tới nay.

Indonesia ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Jakarta, Indonesia ngày 20/5. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 6/6, Bộ Y tế Indonesia cho biết với 993 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca nhiễm theo ngày cao nhất kể từ khi phát hiện dịch COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia vạn đảo lên 30.514 người.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, ông Achmad Yurianto, một quan chức Bộ Y tế, cho biết Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 1.801 ca tử vong, tăng 31 ca trong vòng 24 giờ qua. Như vậy tính đến nay, tất cả 34 tỉnh thành của Indonesia đều có ca mắc COVID-19.

Giới chức các tỉnh thành đang tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại những khu vực có người nhiễm dịch cao và yêu cầu công dân thường xuyên đeo khẩu trang để phòng chống dịch tiếp tục lây lan.

Singapore tập trung sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 15/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết nước này đang tăng cường năng lực chế tạo vắc-xin phòng COVID-19. 

Phát biểu trực tuyến tại Hội đồng Vắc-xin Toàn cầu, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng đại dịch COVID-19 đòi hỏi "phản ứng chung và mạnh mẽ" của tất cả các nước. Theo ông, một lĩnh vực mà các nước có thể hợp tác chính là phát triển và sản xuất vắc-xin phòng COVID-19, vốn đang được Singapore tập trung tăng cường. 

Ngoài ra, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng thông báo Singapore hy vọng có thể sớm hoàn tất các hợp đồng phục vụ sản xuất với các hãng nghiên cứu vắc-xin. Ông nói: "Điều này sẽ giúp các hãng có thể đẩy nhanh quá trình sản xuất và bảo đảm rằng Singapore có thể cung cấp tiêu chuẩn cao về an toàn cũng như chất lượng cho quá trình sản xuất".

Tính tới hết ngày 6/6, Singapore ghi nhận 37.527 ca mắc COVID-19, cao nhất ASEAN. Những người mắc bệnh chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các khu nhà ở đông đúc. Dù số ca mắc cao nhất khối nhưng Singapore chỉ có 24 ca tử vong.

Thái Lan cho phép thêm 7 sân bay nội địa hoạt động trở lại

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) thông báo cho phép thêm 7 sân bay nội địa nối lại các chuyến bay kể từ ngày 6/6. Các sân bay này bao gồm Tak, Trad, Nakhon Ratchasima, Narathiwat, Pai, Phetchabun và Sukhothai. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc CAAT Chula Sukmanop tuyên bố toàn bộ các sân bay chưa được phép khai thác các chuyến bay thương mại từ nước ngoài. Sắc lệnh khẩn cấp của Thái Lan cấm các chuyến bay từ nước ngoài vẫn có hiệu lực đến cuối tháng 6. Lệnh này không áp dụng với các máy bay nhà nước hay quân sự, trường hợp hạ cánh khẩn cấp, viện trợ nhân đạo, chuyến bay y tế, chở hàng hay đưa người về nước.

Trung tâm Thông tin Kinh tế (EIC) thuộc Ngân hàng Thương mại Siam dự báo nền kinh tế Thái Lan có thể sẽ hồi phục theo hình chữ U, dự kiến trong vòng 2 năm sẽ trở lại với mức tăng trưởng như trước khi bùng nổ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Truyền thông sở tại ngày 6/6 dẫn lời nhà kinh tế trưởng của EIC - ông Yunyong Thaicharoen nhận định tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan sẽ trở lại các mức độ trước khi bùng nổ đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2022. Mức sụt giảm tồi tệ nhất dự kiến sẽ xảy ra trong quý II/2020 với tỉ lệ -12,1%, sau đó sẽ thu hẹp dần tới -9,2% trong quý III và -6,7% trong quý IV.

EIC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm 2020 từ -5,6% xuống -7,3%, với giả định rằng số lượng du khách nước ngoài tới quốc gia Đông Nam Á này sẽ giảm 75,3% so với năm 2019, xuống còn 9,8 triệu lượt.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông Yunyong, số lượng du khách nước ngoài sẽ giảm 72,3% xuống 11 triệu lượt trong kịch bản lạc quan là thỏa thuận đi lại giữa các quốc gia nguy cơ thấp hay còn gọi là “bong bóng du lịch” hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, số lượng du khách nước ngoài tới Thái Lan có thể giảm 81,5% xuống còn 7,4 triệu lượt trong trường hợp bùng nổ làn sóng COVID-19 thứ hai.

Kinh tế Thái Lan đã giảm 1,8% trong quý I/2020, mức giảm sâu nhất kể từ quý IV/2011 khi nước này bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.  

Theo ông Yunyong, kế hoạch của Chính phủ thúc đẩy tiêu dùng nội địa được hy vọng phần nào sẽ giúp giảm nhẹ những tác động của tình trạng số lượng du khách nước ngoài giảm mạnh. Những khách sạn giá rẻ dự kiến sẽ được hưởng lợi từ việc hồi phục du lịch nội địa do người dân vẫn thận trọng về chi tiêu. Những công việc kinh doanh liên quan đến du lịch, các ngành phát triển bất động sản và ngành ô tô dự kiến sẽ phải mất thời gian lâu hơn để hồi phục so với những ngành khác, trong khi ngành viễn thông bị ảnh hưởng ít nhất.

Khoảng 3,9 triệu lao động tạm thời và lao động tự do trong các ngành liên quan đến du lịch và 2,7 triệu lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) liên quan đến ngành du lịch phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao nhất.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 15/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi Chính phủ Thái Lan cho phép thêm nhiều hoạt động và lĩnh vực kinh doanh được mở cửa lại trong giai đoạn 3 nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ 1/6, khu vực du lịch vẫn phục hồi một cách chậm chạp do rất nhiều du khách còn do dự về việc đi lại. Ngoài ra, vẫn còn những hạn chế đi lại ở nhiều tỉnh do yêu cầu về thời gian cách ly.

Nhờ tình hình dịch COVID-19 ở Thái Lan diễn biến tích cực và những biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiềm chế dịch bệnh dần được nới lỏng, Bộ Du lịch và Thể thao đang đặt lại chỉ tiêu về du lịch nội địa để bù đắp cho thị trường khách quốc tế chưa hồi phục, phấn đấu đạt 100 triệu chuyến du lịch nội địa trong năm nay.

Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đang nỗ lực biến một nửa số chuyến đi ra nước ngoài của người dân thành các chuyến du lịch nội địa trong năm 2020. Trước khi bùng nổ đại dịch COVID-19, số lượng người Thái Lan đi nước ngoài được dự báo là từ 12-13 triệu lượt. Những người này sẽ được khuyến khích trình chứng cứ hủy vé máy bay quốc tế và đặt phòng khách sạn ở nước ngoài để được mua những gói du lịch sang trọng với giá đặc biệt ở trong nước.

Trước đó, Bộ Tài chính Thái Lan cũng đã nhất trí với kế hoạch tung ra một chương trình khuyến khích du lịch nội địa lớn vào tháng tới, theo đó phát các phiếu thanh toán có giá trị từ 2.000 đến 3.000 baht (60 - 90 USD) cho 4 triệu người dân và tặng các chuyến đi nghỉ miễn phí cho 1,2 triệu nhân viên y tế. Bộ Du lịch và Thể thao sẽ cùng với Bộ Tài chính tính toán ngân sách tổng thể và hoàn tất các chi tiết của chương trình để Bộ trưởng Tài chính trình lên Nội các thông qua vào cuối tháng này.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Thêm 2.269 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ, Iran kêu gọi duy trì giãn cách xã hội
Thêm 2.269 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ, Iran kêu gọi duy trì giãn cách xã hội

Ngày 6/6, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo người dân Iran nên chuẩn bị cho việc sống chung với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong thời gian dài, trong bối cảnh nước Cộng hòa Hồi giáo này đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN