Tình hình COVID-19 hết 21/4 tại ASEAN: Toàn khối 1.210 người thiệt mạng, Singapore thêm 1.111 ca bệnh mới trong ngày

Hết ngày 21/4, khu vực Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 31.800 ca mắc bệnh COVID-19 và trên 1.200 người tử vong. Singapore tiếp tục chứng kiến dịch bệnh leo thang khi ghi nhận tới 1.111 ca bệnh mới trong vòng một ngày qua, trở thành điểm dịch “nóng” trong ASEAN.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Yala, Thái Lan ngày 20/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính tới 23:59’ ngày 21/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 31.843 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.705 trường hợp mới mắc bệnh.

Virus SARS-CoV-2 cũng đã khiến 1.210 người dân ở khu vực này thiệt mạng, tăng 39 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 8.204 trường hợp.

Trong vòng 24h qua, Singapore tiếp tục có số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất khu vực trong ngày thứ 9 liên tiếp (1.111 người), tiếp tục là nước thành viên ASEAN có nhiều ca COVID-19 nhất.

Trong khi Indonesia tiếp tục là nước có số ca tử vong trong ngày nhiều nhất với 26 ca mới, đồng thời tiếp tục dẫn đầu khu vực về tổng số người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Các nhà sư đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một lớp học tôn giáo ở Bangkok, Thái Lan, ngày 20/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 16/4

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc bệnh mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Singapore 9,125 +1,111 11   801
Indonesia 7,135 +375 616 +26 842
Philippines 6,599 +140 437 +9 654
Malaysia 5,482 +57 92 +3 3,349
Thái Lan 2,811 +19 48 +1 2,108
Việt Nam 268       216
Brunei 138   1   116
Campuchia 122       110
Myanmar 121 +2 5   7
Timor-Leste 23 +1     1
Lào 19       2

Tại Singapore, ngày 21/4 đã ghi nhận thêm 1.111 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 9.125 người. Bộ Y tế Singapore cho biết phần lớn những ca nhiễm nêu trên là người lao động nhập cư sống trong các nhà ở tập thể, chiếm hơn 3/4 trong tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này.

Người phụ trách khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới cùng ngày cho rằng Singapore đang đối mặt với "những thách thức rất khó khăn" do gia tăng các ca nhiễm gần đây, song lại có hệ thống chăm sóc sức khỏe và khả năng kiểm soát rủi ro để đối phó cuộc khủng hoảng này. Đáng chú ý, rất nhiều ca nhiễm không hề có biểu hiện bệnh. Trong khi đó, số ca lây nhiễm chéo trong cộng đồng không rõ nguồn gốc vẫn ở mức trên 20 ca/ngày sau 2 tuần thực hiện cách ly xã hội.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Singapore với số ca nhiễm mới tiếp tục trên 1.000 ca mỗi ngày, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội thêm 4 tuần, tới ngày 1/6, mặc dù thời hạn cách ly xã hội còn 2 tuần nữa mới chấm dứt.

Trong bài phát biểu chiều 21/4, ông Lý Hiển Long cho biết đây là biện pháp cần thiết trong bối cảnh lây nhiễm trong cộng đồng vẫn đáng lo ngại. Ngoài ra, Singapore sẽ đóng cửa thêm một loạt dịch vụ và chỉ duy trì tối thiểu các dịch vụ thiết yếu nhất để giảm lưu lượng đi lại.

Thủ tướng Lý Hiển Long một lần nữa kêu gọi người dân Singapore ở nhà, chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết hay để mua thực phẩm, và nên đi một mình. Ông cho biết, các biện pháp cách ly xã hội, hạn chế đi lại sẽ chỉ được gỡ bỏ khi con số lây nhiễm trong cộng động xuống mức 1 con số.

Chú thích ảnh
 Nhân viên Chữ thập Đỏ Indonesia đo thân nhiệt cho người dân để phòng lây nhiễm COVID-19 tại Nam Tangerang, ngày 18/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, tại Indonesia, người phát ngôn Bộ Y tế Achmad Yurianto cho biết nước này đã ghi nhận thêm 375 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này lên 7.135 người. Bên cạnh đó, Indonesia cũng ghi nhận 26 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 616 người.

Cho đến nay, có hơn 46.700 bệnh nhân đã được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và 842 người đã được chữa khỏi bệnh ở Indonesia.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo nước này cấm tổ chức sự kiện "Xuất hành" theo truyền thống, tiếng địa phương là "mudik", diễn ra vào thời điểm kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo trong tháng 5. Đây là một trong các nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm kìm hãm sự lây lan của dịch COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này.

Phát biểu tại một phiên họp nội các, Tổng thống Widodo dẫn một cuộc khảo sát của Bộ Giao thông cho thấy 24% người dân Indonesia quả quyết sẽ tham gia sự kiện "xuất hành" từ thủ đô Jakarta trở về quê nhà vào cuối tháng lễ Ramada.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Palu, Indonesia, ngày 15/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Quan chức văn phòng tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia, ông Marius Ardu Jelamu cùng ngày 20/4 cho biết nước này đã đóng cửa biên giới với Timor Leste trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan.

Theo đó, toàn bộ công dân Timor Leste muốn đến tỉnh này phải đình chỉ kế hoạch của họ cho đến khi cửa khẩu được mở cửa trở lại. Ông Jelamu cho biết hiện chính quyền tỉnh đang nỗ lực cắt đứt chuỗi lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Tuy nhiên, quyết định trên không bao gồm hoạt động vận chuyển các hàng xuất khẩu của Indonesia sang Timor Leste. Tỉnh Đông Nusa Tenggara có chung đường biên giới trên bộ với Timor Leste. 

Động thái trên diễn ra sau khi cả hai nước chứng kiến số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng trong thời gian gần đây. Trong khi đó, Timor Leste ghi nhận số ca mắc tăng đáng kể từ 2 ca đầu tháng 4 này lên 21 ca. Theo truyền thông địa phương, đa số các ca mắc mới ở Timor Leste từng đến Indonesia.

Chú thích ảnh
 Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 24/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm thấp nhất trong hơn 1 tháng. Ngày 21/4, người phát ngôn Trung tâm quản lý tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Chính phủ Thái Lan Taweesin Wisanuyothin cho biết nước này đã ghi nhận thêm 19 ca bệnh COVID-19. Đây là số ca tử vong ít nhất ghi nhận trong ngày tại nước này trong hơn 1 tháng qua.

Theo ông Wisanuyothin, Thái Lan cũng ghi nhận thêm 1 ca tử vong vì COVID-19 là một tài xế taxi 50 tuổi. Tính đến thời điểm này, Thái Lan xác nhận có tổng cộng 2.811 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 48 ca tử vong và 2.108 người đã bình phục.

Tại cuộc họp của CCSA ngày 20/4, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trên cương vị Chủ tịch CCSA đã bày tỏ lo ngại về những người bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa, đồng thời chỉ đạo Bộ Y tế liên lạc với những người điều hành kinh doanh và cân nhắc cho phép một số doanh nghiệp mở cửa lại, nhất là ở những tỉnh chưa có các ca lây nhiễm. Nguồn tin này cho biết thêm rằng các địa điểm giải trí vẫn sẽ đóng cửa và lệnh giới nghiêm toàn quốc vào ban đêm dự kiến sẽ được kéo dài thêm ít nhất một tháng nữa.

Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã ban bố Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp từ ngày 26/3 - 30/4 nhằm hạn chế người dân đi lại và buộc họ ở trong nhà nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. 

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 25/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Các quan chức y tế Malaysia ngày 21/4 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 57 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này lên thành 5.482 người.

Đây là ngày thứ năm liên tiếp, Malaysia duy trì số ca nhiễm mới trong ngày ở mức hai con số. Malaysia cũng có thêm 3 trường hợp tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên thành 92 người.

Bộ Y tế Philippines ngày 21/4 đã ghi nhận thêm 9 ca tử vong do dịch bệnh. Philippines cũng có thêm 140 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 6.599 người. Quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 41 bệnh nhân COVID-19 hồi phục, nâng tổng số người được chữa trị khỏi bệnh lên thành 654.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 25/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong vòng 24h qua, Campuchia không phát hiện thêm ca nhiễm mới COVID-19. Như vậy, Campuchia tới rạng sáng 22/4 có tổng cộng 122 ca mắc COVID-19, trong đó 110 người đã bình phục.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) thuộc Bộ Y tế Campuchia Ly Sovann cho rằng nước này đang trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, vì vậy người dân vẫn nên thận trọng và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn lây nhiễm bệnh dịch.

Báo Khmer Times dẫn lời Giám đốc Ly Sovann giải thích rằng dịch COVID-19 có 3 giai đoạn phát triển: Giai đoạn đầu phát hiện ít ca nhiễm bệnh, giai đoạn 2 là dịch bệnh lan trong cộng đồng và giai đoạn 3 là phát hiện hàng loạt ca lây nhiễm. Ông lo lắng rằng liệu 8 ngày qua không phát hiện ca nhiễm mới tại Campuchia có phải là dấu hiệu tích cực hay nguy hiểm thật sự vẫn có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào, ví dụ như trong đoàn khách Pháp ở Sihanoukville có gần 40 trường hợp mắc COVID-19 chỉ trong vài ngày.

Trong khi đó, cùng ngày, Lào thêm một ngày nữa không ghi nhận ca COVID-19 mới nào.

Thanh Tuấn (Tổng hợp)
Tình hình COVID-19 hết ngày 20/4 tại ASEAN: 1.171 người tử vong, Singapore tăng kỷ lục số ca nhiễm
Tình hình COVID-19 hết ngày 20/4 tại ASEAN: 1.171 người tử vong, Singapore tăng kỷ lục số ca nhiễm

Đến hết ngày 20/4, khu vực Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 30.000 ca mắc bệnh COVID-19 và 1.171 người tử vong. Tiếp tục chuỗi ngày dịch "đảo chiều" lây lan mạnh, Singapore trải qua một ngày có số ca mắc bệnh mới cao kỷ lục, 1.426 trường hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN