Theo trang thống kê worldometers.info, nhóm các nước Đông Nam Á có nhiều ca bệnh nhất gồm: Indonesia, Philippines, Singapore và Malaysia. Các quốc gia này đều có trên 5.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong đó, Indonesia và Philippines là các nước có ca tử vong nhiều nhất khối ASEAN.
Trong khi đó, các nước Đông Nam Á có ca mắc COVID-19 thấp gồm Myanmar, Lào và Timor-Leste khi chỉ ghi nhận dưới 100 ca bệnh.
Biểu đồ so sánh số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Đông Nam Á:
Biểu đồ so sánh số ca tử vong vì SARS-CoV-2 tại Đông Nam Á:
Singapore một ngày có thêm gần 1.000 ca mắc
Ngày 18/4, Bộ Y tế Singapore đã xác nhận thêm 942 ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Đây là mức tăng theo ngày cao kỷ lục ở quốc gia Đông Nam Á, qua đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 5.992 người. Theo nguồn tin trên, đa số các ca nhiễm mới đều là những người sống trong những khu nhà ở dành cho lao động nước ngoài.
Giới chức y tế Singapore đang tăng cường xét nghiệm để phát hiện người nhiễm bệnh tại các khu nhà ở dành cho lao động nhập cư. Tới hết ngày 18/4, Singapore ghi nhận 11 ca tử vong vì dịch bệnh.
Indonesia thông báo thêm 325 ca nhiễm mới trong ngày 18/4, đưa tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này lên 6.248 ca. Tổng số ca tử vong cũng tăng lên 535 ca sau khi ghi nhận thêm 15 ca tử vong trong ngày. Từ ngày 17/4, quốc gia này đã vượt qua Philippines và đứng đầu Đông Nam Á về số ca nhiễm virus. Hiện Indonesia cũng là quốc gia có số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 nhiều thứ 3 ở châu Á, sau tâm dịch Trung Quốc và Iran.
Ngày 18/4, Bộ Y tế Philippines cho biết quốc gia này ghi nhận thêm 10 ca tử vong và 209 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong ở nước này lên tương ứng là 6.087 và 397 ca. Cũng theo bộ trên, tới nay, Philippines đã có 516 bệnh nhân hồi phục, sau khi có thêm 29 ca bệnh được xuất viện trong ngày.
Trước đó, do người dân vẫn đổ ra đường phố bất chấp lệnh phong tỏa của chính quyền, ngày 17/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh báo sẽ áp dụng phong tỏa giống biện pháp thiết quân luật để ngăn chặn việc này. Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình, Tổng thống Duterte khẳng định ông mới chỉ đang yêu cầu tuân thủ kỷ luật ở mức thấp. Nếu yêu cầu này không được tuân thủ, quân đội và cảnh sát sẽ vào cuộc. Khi đó, cảnh sát và quân đội sẽ giám sát thực thi giãn cách xã hội vào giờ giới nghiêm như tình trạng thiết quân luật.
Malaysia công bố thêm 54 ca nhiễm mới trong ngày 18/4 - mức tăng thấp nhất trong ngày ở nước này kể từ khi chính phủ áp đặt các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội ngày 18/3 vừa qua. Số bệnh nhân COVID-19 tại Malaysia hiện là 5.305 người và 88 trường hợp tử vong. Nước này đang chứng tỏ các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả, khi số ca mắc và tử vong mới duy trì xu thế giảm trong mấy ngày gần đây.
Trong khi đó, Thái Lan ngày 18/4 đã xác nhận thêm 33 ca mắc COVID-19, nâng tổng số các ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 2.733 bệnh nhân. Ngoài 47 trường hợp tử vong, đã có 1.787 bệnh nhân COVID-19 bình phục và được xuất viện, trong khi đó 899 bệnh nhân đang được điều trị ở các bệnh viện.
Bộ Y tế Thái Lan cho biết tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nước này là 1,7%, thấp hơn 4 lần so với tỷ lệ trung bình toàn cầu, trong khi khi tỷ lệ bình phục là 62,5%. Theo đánh giá, tình hình COVID-19 ở Thái Lan đang được cải thiện vì số lượng các ca nhiễm mới đang trong xu hướng giảm và không có các ca nhiễm bệnh từ nước ngoài tới nhờ các biện pháp hạn chế chuyến bay tới nước này được áp dụng từ đầu tháng 4.
Tuần tới, quốc gia này sẽ xem xét nới lỏng các biện pháp hạn chế khi số ca nhiễm mới giảm dần. Người phát ngôn Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesin Visanuyothin hôm 17/4 cho biết chính phủ đang soạn thảo những hướng dẫn để dần khôi phục nhịp sống thường ngày và thảo luận với đại diện các lĩnh vực tư nhân về việc từng bước nối lại hoạt động kinh doanh. Trong tuần tới, Chính phủ Thái Lan sẽ xem xét ban hành hướng dẫn dành cho tất cả các cơ sở hoạt động trong ngành dịch vụ nếu số lượng các ca nhiễm mới vẫn ở mức thấp.
Ngành du lịch Thái Lan chuẩn bị cho thời kỳ hậu COVID-19
Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự báo quốc gia Đông Nam Á này có thể chỉ đón được 16 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đặt ra từ trước khi bùng phát dịch COVID-19 là 40 triệu lượt. Ước tính này cho thấy lượng du khách nước ngoài tới Thái Lan trong năm nay sẽ giảm 24 triệu lượt và "ngành công nghiệp không khói" thất thu 1.900 tỷ baht so với mức kỷ lục 39,8 triệu lượt năm 2019.
TAT cũng ước tính số lượng các chuyến du lịch nội địa ở Thái Lan trong năm nay chỉ đạt 60 triệu lượt, kém xa chỉ tiêu 172 triệu lượt đặt ra trước đó và thấp hơn hẳn so với mức 167 triệu chuyến của năm 2019. Tổng doanh thu từ du khách nước ngoài và du lịch nội địa năm 2020 chỉ đạt 1.120 tỷ baht, giảm 62,8% so với mức 3.010 tỷ baht năm 2019.
Truyền thông sở tại dẫn lời Tổng Cục trưởng TAT Yuthasak Supasorn cho biết báo cáo mới nhất này được đưa ra dựa trên giả định các hoạt động du lịch có thể nối lại vào tháng Năm khi mà dịch COVID-19 ở Thái Lan ổn định và số lượng các ca nhiễm ở nước ngoài giảm xuống. Ông nhận định ngành du lịch Thái Lan cần theo dõi chặt chẽ tình hình trước khi bắt đầu hoạt động kinh doanh. Trong khi số lượng các ca nhiễm COVID-19 ở Thái Lan được ghi nhận theo ngày đang giảm, khu vực du lịch không thể mất cảnh giác. Thay vào đó, ngành cần chờ các cơ quan liên quan đưa ra ý kiến cuối cùng về việc khi nào dỡ bỏ phong tỏa hoặc các hạn chế đi lại.
TAT đã thành lập 8 nhóm đặc nhiệm với sự hợp tác của khu vực tư nhân nhằm cung cấp những giải pháp tức thì để giúp các công ty du lịch đứng lên. Các nhóm đặc nhiệm được chia ra hoạt động trong những lĩnh vực: xây dựng lại ngành du lịch, thị trường nội địa, thị trường khách xa, thị trường khách gần, truyền thông tiếp thị, và quản lý số và tổ chức....
Một yếu tố quan trọng là sức khỏe và an toàn, điều mà các công ty du lịch cần chuẩn bị trước, cũng như kế hoạch kích thích nhằm thúc đẩy khu vực này. Tổng Cục trưởng TAT Yuthasak cho biết những hướng dẫn tiêu chuẩn an toàn du lịch là một trong những nhiệm vụ cấp thiết mà TAT đang làm việc với Bộ Y tế. Trong tháng này, các quy định về Quản lý An toàn và sức khỏe (SHA) sẽ sẵn sàng để thực hiện, điều sẽ giúp cho du khách lấy lại niềm tin trong khi đến thăm Thái Lan. Ngoài ra, TAT cũng có kế hoạch tập huấn lại những kỹ năng của các lao động trong khu vực du lịch.
Du lịch là động lực tăng trưởng của Thái Lan trong những năm gần đây. Trước khi bùng phát dịch COVID-19, quốc gia Đông Nam Á này hy vọng doanh thu từ du lịch sẽ đóng góp ít nhất 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020. Tuy nhiên, du lịch là ngành đầu tiên ở Thái Lan phải hứng chịu tác động của dịch COVID-19 ngay từ cuối tháng 1/2020. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn vào tháng 3/2020 khi Chính phủ Thái Lan áp đặt các hạn chế về đi lại nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19.
Số liệu vừa được Bộ Du lịch và thể thao Thái Lan công bố cho thấy doanh thu từ du lịch của nước này đã giảm gần 40% trong quý I/2020 xuống còn 335 tỷ baht (hơn 10 tỷ USD), thấp hơn 222 tỷ baht so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê cho thấy lượng du khách nước ngoài tới Thái Lan trong quý vừa qua là 6,7 triệu lượt, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm sâu về lượng du khách nước ngoài tới Thái Lan trong tháng 3/2020 cho thấy tình hình càng khó khăn trong quý II/2020, khi nhiều hãng hàng không ngừng bay và các khách sạn đóng cửa.