Cuối tháng trước, hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên đã lần đầu tiên tiến hành hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Vladivostok thuộc khu vực Viễn Đông của Nga, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington rơi vào bế tắc.
Trong phiên điều trần gần đây tại Ủy ban Tình báo của Quốc hội Hàn Quốc, NIS nêu rõ: "Nga đứng về phía Mỹ trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nhưng Moskva thấu hiểu lập trường của Bình Nhưỡng về cách thức tiến hành phi hạt nhân hóa. Điều đó có nghĩa là Triều Tiên và Nga dường như đã có điểm chung về cách tiếp cận theo từng giai đoạn và gia tăng dần trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên".
Theo NIS, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề nghị Nga truyền đạt lập trường của Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa tới Mỹ và Trung Quốc có nghĩa là Bình Nhưỡng muốn Moska đóng vai trò trung gian trong đàm phán Mỹ - Triều đang bế tắc. NIS nhấn mạnh: "Điều này cũng chỉ ra rằng Bình Nhưỡng muốn nối lại đàm phán với Mỹ".
Hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều Tiên được tiến hành sau khi cuộc gặp lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un kết thúc trong bất đồng. Tại cuộc gặp, phía Triều Tiên đề nghị Mỹ giảm bớt các lệnh trừng phạt như một biện pháp xây dựng lòng tin, trong khi Washington yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân mà không có sự "mặc cả".
Về đề nghị của Tổng thống Nga về đàm phán đa phương về vấn đề Triều Tiên, người đứng đầu Ủy ban Tình báo của Quốc hội Hàn Quốc - ông Lee Hye-hoon cho rằng đây thực chất là đề xuất thiết lập "một nhóm làm việc" thay vì hồi sinh các cuộc đàm phán 6 bên trong quá khứ. Ông Lee Hye-hoon nhấn mạnh: "Nga có thể đã tạo ra một số điều kiện nhất định để can dự vào vấn đề Bán đảo Triều Tiên, nhưng theo các lệnh trừng phạt hiện tại, Moskva có rất ít vai trò. Có rất ít khả năng các cuộc đàm phán 6 quốc gia sẽ được nối lại, theo tình hình này".
NIS cũng cho biết không có thỏa thuận cụ thể nào giữa hai nhà lãnh đạo trong hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều Tiên vừa qua, đồng thời Tổng thống Putin cũng chưa có kế hoạch đến thăm Bình Nhưỡng trong tương lai gần.