Đài Sputnik (Nga) dẫn thông tin của "Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử" nêu rõ Mỹ có 3.800 đầu đạn hạt nhân, trong đó là 1.300 tên lửa đạn đạo.
"Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử" vào ngày 29/4 đã xuất bản bài viết có tên “Lực lượng hạt nhân Mỹ năm 2019”, trong đó cho biết Washington có 2.385 đầu đạn không còn hoạt động hoặc dự kiến không hoạt động trước năm 2030.
Nếu tính cả những đầu đạn không còn hoạt động thì kho vũ khí hạt nhân của Mỹ bao gồm khoảng 6.185 đầu đạn, đặt rải rác khắp 24 địa điểm ở 11 bang của Mỹ và 5 quốc gia châu Âu.
Theo các nhà nghiên cứu tại "Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử", việc Lầu Năm góc trong tháng 4 quyết định không công bố quy mô kho vũ khí hạt nhân sẽ gây ngờ vực về số lượng vũ khí hạt nhân quốc gia này.
Theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược (START) mới mà Nga và Mỹ ký trong năm 2010, các cường quốc hạt nhân có nghĩa vụ phải giảm kho vũ khí sao cho không vượt quá mức là 700 tên lửa và 1.550 đầu đạn.
Sau quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, Moskva lo ngại rằng số phận của Hiệp ước START mới cũng sẽ mong manh khi hết hạn trong năm 2021.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm tại Thụy Điển, Nga và Mỹ vẫn là hai quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất trên thế giới. Theo sau đó là Pháp, Trung Quốc, Anh, Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên.