Tình báo Estonia tiết lộ niềm tin của ông Putin, Mỹ nói đã lập liên minh toàn cầu ủng hộ Ukraine

Trong khi niềm tin của người đứng đầu nước Nga có thể khiến Ukraine phải lo ngại thì những cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra trong thông điệp liên bang thứ 2 trong nhiệm kỳ có thể là sự khích lệ đối với Kiev.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh tư liệu: AFP

Trong một báo cáo thường niên về an ninh quốc tế, Cơ quan Tình báo đối ngoại của Estonia cho biết, mặc dù Nga khó có thể đạt được “bước nhảy vọt về chất” về khả năng tiến hành chiến tranh, nhưng ông chủ Điện Kremlin Vladimir Putin sẽ không nản lòng bất chấp những thất bại trong năm đầu tiên của chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Điểm mấu chốt trong suy nghĩ của ông Putin là các đồng minh của Ukraine như Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ giảm hỗ trợ cho nước này.

Tờ Sky News ngày 8/2 dẫn báo cáo cho biết vào bất cứ lúc nào, Nga cũng sẽ không cạn kiệt vũ khí hoặc lực lượng cho cuộc chiến tại Ukraine.

Trong lời nói đầu của báo cáo, tân Tổng Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Estonia, ông Kaupo Rosin, cho rằng mục tiêu của Tổng thống Nga ở Ukraine không thay đổi bất chấp những thất bại trong 12 tháng qua. Ông Rosin viết: "Hiện tại, (Nga) vẫn còn đủ nhiên liệu để duy trì cỗ máy chiến tranh," và "Nga sẽ không sớm cạn kiệt đạn dược”.

Phát biểu này trái ngược với nhận xét được đưa ra vào tháng 10 năm ngoái bởi người đứng đầu cơ quan gián điệp Anh GCHQ, ông Jeremy Fleming, rằng "nguồn cung cấp và đạn dược của Nga đang cạn kiệt".

Tuy nhiên, phát biểu của ông Rosin lại khá tương hợp với thực tế trên thực địa ở miền Đông Ukraine, nơi cho thấy các cuộc oanh tạc của Nga nhằm vào các vị trí của Ukraine trong suốt những tháng mùa đông không hề giảm bớt.

Theo tình báo Estonia, trong xung đột Nga – Ukraine, thách thức vẫn do phía Nga đặt ra, trong đó đáng lưu ý là yếu tố niềm tin của nhà lãnh đạo Nga

Ông Putin tin rằng thời gian đang đứng về phía họ trong cuộc chiến ở Ukraine. Do đó, ông Putin đã chơi trò câu giờ để đợi thời cơ.

Bên cạnh đó, dù Ukraine hiện vẫn chưa chịu thiệt hại đủ để đạt đến điểm phá vỡ, nhưng ông Putin vẫn tin rằng Ukraine và phương Tây sẽ đuối sức trước Nga. Cho nên, nhà lãnh đạo Nga luôn nghĩ rằng ông có thể "dội bom" buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong một diễn biến liên quan tới xung đột Nga – Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi cuộc chiến của Nga ở Ukraine là phép thử lớn nhất đối với thế giới và đảm bảo rằng Mỹ sẽ hỗ trợ người dân Ukraine miễn là cần thiết.

Phát biểu trong Thông điệp liên bang, ông Biden cho rằng chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine là “một phép thử qua nhiều thời đại”, “một phép thử cho nước Mỹ” và “một bài kiểm tra cho thế giới”.

Ông Biden đặt cầu hỏi: “Liệu chúng ta có ủng hộ những nguyên tắc cơ bản nhất không? Chúng ta sẽ đứng về phía chủ quyền? Liệu chúng ta có ủng hộ quyền được sống và không bị đàn áp của mọi người? Liệu chúng ta có ủng hộ việc bảo vệ nền dân chủ?”.

Một năm sau khi xung đột ở Ukraine bùng nổ, hãng tin AP dẫn lời ông Biden cho biết nước Mỹ đã có câu trả lời.

Ông Biden tự hào rằng chính quyền của ông đã làm những gì mà nước Mỹ luôn làm tốt nhất, là “lãnh đạo, là thống nhất NATO và xây dựng một liên minh toàn cầu…. (để) đứng về phía người dân Ukraine”.

Thành Nam/Báo Tin tức
Giữa xung đột với Ukraine, Nga ra lệnh đại tu hầm tránh bom trên toàn quốc
Giữa xung đột với Ukraine, Nga ra lệnh đại tu hầm tránh bom trên toàn quốc

Việc đại tu mạng lưới hầm tránh bom của Nga diễn ra trong bối cảnh điện Kremlin cảnh báo về nguy cơ xung đột hạt nhân và giao tranh ở Ukraine lan vào sâu bên trong lãnh thổ Nga. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN