Tín hiệu tan băng ngoại giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ

Trang mạng bloomberg.com ngày 24/4 có bài viết cho biết Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tuần này, trong bối cảnh hai nước đông dân nhất thế giới đang tìm cách giảm bớt những căng thẳng sau cuộc tranh chấp biên giới căng thẳng hồi năm ngoái.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong một cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: The Indian Express

Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết "Hội nghị thượng đỉnh không chính thức" giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Modi sẽ diễn ra từ ngày 27-28/4 tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Cuộc gặp là một phần của cuộc đối thoại tăng cường giữa lãnh đạo hai quốc gia có dân số chiếm hơn 1/3 dân số thế giới và chiếm 18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Cuộc gặp này diễn ra gần
1 năm sau khi binh lính hai nước phải đối đầu trực tiếp với nhau trong 73 ngày ở khu vực biên giới tranh chấp trên Cao nguyên Doklam thuộc Dãy Himalaya. Hiện căng thẳng biên giới vẫn còn, với việc Lực lượng không quân Ấn Độ vừa kết thúc cuộc tập trận lớn nhất dọc biên giới với Trung Quốc và Pakistan.
 
Tuy nhiên, giờ đây cả hai cường quốc châu Á này đang tìm cách hạn chế những nguy cơ trong môi trường khu vực khi Trung Quốc đang giành lợi thế trong cuộc đối đầu với các biện pháp thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp đặt và ông Modi tìm cách giữ cho nền kinh tế Ấn Độ đi đúng hướng khi cuộc bầu cử năm 2019 đang tới gần.
Qian Feng, một chuyên gia nghiên cứu về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận định: "Rất hiếm khi lãnh đạo hai nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ gặp mặt nhau thường xuyên như vậy... Đối với cả hai bên, một biên giới hòa bình và quan hệ đối tác thương mại cùng có lợi rõ ràng là phù hợp hơn với lợi ích của họ. Vì lý do này, hai bên đang ngầm khôi phục các mối quan hệ song phương một cách nhanh chóng".

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Modi đã gặp nhau hồi tháng 9 năm ngoái và dự kiến gặp lại nhau vào tháng 6 tới trong khuôn khổ Hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại thành phố cảng Thanh Đảo, miền Đông Trung Quốc. Cả hai nhà lãnh đạo đều có những lý do nội bộ mạnh mẽ để tạm gác căng thẳng sang một bên. Theo chuyên gia Qian, "với Trung Quốc, cuộc chiến thương mại hiện nay với Mỹ thúc đẩy Bắc Kinh chọn thái độ ôn hòahơn với New Delhi. Về phần Ấn Độ, những cải cách kinh tế-xã hội của ông Modi đang giảm tốc, do tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều xáo động làm tăng rủi ro kinh tế ở Ấn Độ".
 
Giáo sư Srikanth Kondapalli của Đại học Jawaharlal Nehru cho rằng Bắc Kinh lo ngại về sự hợp tác ngày càng tăng giữa Ấn Độ với Mỹ, trong đó có tuyên bố đưa ra hồi năm ngoái về việc khôi phục Đối thoại An ninh bốn bên, còn gọi là Quad, gồm cả các quan chức quốc phòng Australia và Nhật Bản.
Trong khi đó, Giáo sư về quan hệ quốc tế Shi Yinhong thuộc Đại học Nhân dân (Bắc Kinh) cho rằng cuộc gặp tới đây là một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm cải thiện quan hệ song phương.

Mohan Guruswamy, chuyên gia cấp cao của Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh quốc gia Ấn Độ (USI) có trụ sở ở New Delhi, cho rằng Trung Quốc "rất cần bạn bè". Ông nói: "Họ có thể tìm thấy lợi ích trong việc phát triển quan hệ kinh tế với Ấn Độ, nhất là nhờ nền kinh tế xuất khẩu đang phát triển của quốc gia Nam Á này".


Các
ngoại trưởng hai nước nhấn mạnh bối cảnh chiến lược rộng lớn hơn sau cuộc gặp. Ngoại trưởng trưởng Vương Nghị nói với báo giới rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Modi sẽ có "những trao đổi thông tin về bản chất chiến lược liên quan đến những thay đổi lớn đang diễn ra trên thế giới. Họ cũng sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề chiến lược tổng thể và dài hạn liên quan đến tương lai của mối quan hệ Trung - Ấn".

Theo Shailesh Kumar, Giám đốc châu Á của hãng phân tích rủi ro chính trị Eurasia Group, hai bên đang xúc tiến các thủ tục cho cuộc gặp với hy vọng có một bước đột phá trước khi những căng thẳng biên giới xuất hiện trở lại. "Tính chất không chính thức và thời điểm tổ chức cuộc gặp cho thấy thứ nhất, cả hai bên đều muốn có thể thảo luận tất cả các chủ đề một cách tự do và thân mật, bỏ qua các thủ tục thông thường. Thứ hai, họ muốn gặp nhau trước mùa Hè, khi nhiều người lo ngại những căng thẳng giữa quân đội hai nước ở vùng núi có thể gia tăng trở lại khi thời tiết bớt khắc nghiệt hơn".

Động thái tiến tới nối lại mối quan hệ hữu nghị song phương được thúc đẩy bởi cuộc gặp giữa
ông Tập Cận Bình và ông Modi tại Hạ Môn (Trung Quốc) hồi tháng 9/2017, cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi tháo ngòi nổ căng thẳng ở khu vực biên giới giữa Ấn Độ, Bhutan và vùng đất Tây Tạng thuộc Trung Quốc. Ngoại trưởng Ấn Độ Swaraj mô tả hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới giữa hai nước như "điều kiện tiên quyết cần thiết để các mối quan hệ song phương phát triển một cách êm thấm".

Theo ông Kumar, hội nghị thượng đỉnh không chính thức này là tin tức tốt đẹp đối với các nhà đầu tư ở châu Á. "Hai bên sẽ ưu tiên cho việc xây dựng các mối quan hệ sâu sắc hơn nhằm giảm thiểu những bất đồng liên quan đến an ninh trong khi vẫn thiết lập một khuôn khổ để xử lý bất kỳ vấn đề phát sinh nào".

Tuy nhiên, về lâu dài những bất đồng giữa hai cường quốc có thể xuất hiện trở lại. Ông Kumar nhận định: "Sự ngờ vực vẫn cao và căng thẳng vẫn còn, đặc biệt do việc Trung Quốc tham gia các dự án kinh tế ở Pakistan, điều mà Ấn Độ coi là sự can dự mang tính chiến lược hơn là mang tính kinh tế mà có thể gây thiệt hại cho Ấn Độ".

Trong bối cảnh đó, cựu Quốc vụ khanh
Bộ ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar cho rằng cuộc gặp sắp tới giữa ông Modi và ông Tập Cận Bình "chắc chắn là một bước đi rất táo bạo". Ông nhận xét: "Thực tế việc họ đồng ý tổ chức một hội nghị thượng đỉnh không chính thức cho thấy hai nhà lãnh đạo nhận thức được tầm quan trọng của quan hệ song phương Trung-Ấn. Họ đã tự đảm nhận trách nhiệm đưa mối quan hệ này đi theo hướng tốt đẹp hơn".

TTXVN/Báo Tin tức
Đây là hướng đi mang lại hòa bình-ổn định trên Bán đảo Triều Tiên
Đây là hướng đi mang lại hòa bình-ổn định trên Bán đảo Triều Tiên

Triều Tiên ngày 21/4 đã thông báo dừng việc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Sáu tháng trước, đây là điều khó có thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, bước nhảy vọt lớn này đã diễn ra. Tất cả các bên liên quan - bao gồm Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản - nên trân quý tín hiệu lạc quan này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN