Đây là hướng đi mang lại hòa bình-ổn định trên Bán đảo Triều Tiên

Triều Tiên ngày 21/4 đã thông báo dừng việc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Sáu tháng trước, đây là điều khó có thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, bước nhảy vọt lớn này đã diễn ra. Tất cả các bên liên quan - bao gồm Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản - nên trân quý tín hiệu lạc quan này.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái), Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến có các cuộc gặp quan trọng. Ảnh: ABS-CBN News

Tất cả các bên liên quan nên tiếp tục nỗ lực để đưa Bán đảo Triều Tiên trở thành một khu vực phi hạt nhân và hòa bình vĩnh viễn, hơn là chứng kiến thành quả này trượt khỏi tầm tay và đón đợi những cuộc đối đầu căng thẳng hơn nữa. Vẫn còn một chặng đường dài để hiện thực hóa việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo này. Tuy nhiên, khi Bình Nhưỡng cho thấy thiện ý và thái độ sẵn sàng đàm phán, các bên nên cố gắng đạt được mục tiêu.


Cùng với tuyên bố được đưa ra hôm 21/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng tuyên bố Triều Tiên sẽ chuyển trọng tâm sang xây dựng kinh tế. Đây có vẻ là quyết định mang tính chiến lược của nước này.

Chuyên gia Andrei Lankov thuộc Tổ chức Rủi ro Triều Tiên (KRG) nhận định, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự định theo đuổi "về cơ bản là chương trình kinh tế theo phong cách giống Trung Quốc". Ông Lankov dự đoán Bình Nhưỡng sẽ đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, cải cách công nghiệp bao gồm việc trao quyền tự chủ hơn cho các doanh nghiệp quốc doanh (SOE) và nhiều quyền lợi hơn cho các nhà quản lý để giữ lại phần nào lợi nhuận, cũng như nỗ lực phát triển nông nghiệp hơn nữa. Trao đổi với hãng tin AFP, ông Lankov cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un "hy vọng rằng Triều Tiên sẽ đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định, cải thiện các điều kiện sống của nhân dân”.

Cộng đồng quốc tế - trước hết là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và phương Tây - nên từ bỏ cái nhìn rập khuôn, máy móc và định kiến về Triều Tiên. Ngược lại, các nước nên ứng xử “bình thường hơn” đối với Triều Tiên. Washington không nên coi việc Triều Tiên dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa là vì áp lực tối đa mà Mỹ tạo ra. Kết quả này có được bởi nhiều yếu tố, một trong số đó có thể là do Bình Nhưỡng đã làm chủ một số công nghệ hạt nhân tiên tiến và phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm bắn hơn 10.000 km.

Nếu Washington vẫn muốn ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân bằng việc gây sức ép tối đa, điều này sẽ cực kỳ nguy hiểm. Cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc đều không đồng tình với cách tiếp cận như vậy. Cộng đồng quốc tế nên khuyến khích Triều Tiên bằng cách dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt và tiếp tục thực hiện một số trao đổi, qua đó cho Triều Tiên thấy những lợi ích to lớn mà nước này sẽ nhận được từ cộng đồng quốc tế, cũng như ý nghĩa của việc từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Bình Nhưỡng đã theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân nhiều năm. Triều Tiên chỉ từ bỏ chương trình vũ khí của mình nếu tin chắc rằng việc từ bỏ sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là tiếp tục duy trì. Nếu an ninh được bảo đảm, Triều Tiên - một quốc gia luôn hy vọng thúc đẩy phát triển kinh tế - sẽ cảm thấy kho vũ khí hạt nhân không còn cần thiết. Triều Tiên đã bị mắc kẹt trong một cuộc cạnh tranh quân sự và chính liên minh Mỹ - Hàn gánh một phần trách nhiệm về việc này. Trong tương lai, Bình Nhưỡng nên được khuyến khích tham gia một cuộc cạnh tranh kinh tế tại Đông Bắc Á.

Mỹ vẫn là chiếc “chìa khóa” cho tình hình Bán đảo Triều Tiên trong tương lai, còn Hàn Quốc lại là nước có ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ. Seoul đã đóng một vai trò quan trọng kể từ Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 và họ cần thúc giục Washington tiếp tục thực hiện những biện pháp hòa giải và đàm phán với Triều Tiên. 

TTXVN/Báo Tin tức
Triều Tiên tạo đà tích cực cho Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều
Triều Tiên tạo đà tích cực cho Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều

Ngày 22/4, một ngày sau khi Triều Tiên cam kết chấm dứt các vụ thử vũ khí hạt nhân của nước này làm dấy lên bao hy vọng, xen lẫn chút hoài nghi, các quan chức cho biết công tác chuẩn bị của Hàn Quốc cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua là vấn đề nóng nhất trong tuần này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN