Hình ảnh tên lửa Hwasong-15 phóng trong rạng sáng 29/11. Ảnh: Rodong Sinmun
|
Hãng hàng không Cathay trong một tuyên bố cho biết họ đã liên lạc với giới chức chịu trách nhiệm, các cơ quan ngành và các hãng hàng không khác về vật thể mà chuyến bay mang số hiệu 893 của Cathay Airlines bắt gặp. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, họ không có kế hoạch thay đổi lộ trình bay.
“Mặc dù chuyến bay ở khoảng cách khá xa so với địa điểm xảy ra vụ việc, song phi hành đoàn vẫn tìm đến Trạm Kiểm soát Không lưu Nhật Bản (ATC) để xin sự tư vấn. Quy trình hoạt động vẫn duy trì bình thường và không có điều gì bị ảnh hưởng”, tuyên bố khẳng định.
Trước đó, rạng sáng 29/11, Triều Tiên đã phóng quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15. Quốc gia này khẳng định đây là quả tên lửa lớn nhất, mạnh nhất trong kho vũ khí nước mình.
Ngay sau vụ thử, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra nhận xét quả tên lửa Triều Tiên vừa thử đã chứng minh nước này có năng lực đánh trúng tới “bất kỳ đâu trên thế giới”.
Tên lửa Hwasong-15 bay khoảng 1.000 km, đạt độ cao khoảng 4.500 km, sau 53 phút bay trong không gian quả tên lửa rơi xuống vùng biển Nhật Bản.
Hãng hàng không Cathay cho biết họ không thu được hình ảnh hay video ghi nhận sự việc. Theo lắp đặt kỹ thuật, thông thường máy bay thực hiện các chuyến bay quốc tế có gắn camera dưới thân máy bay, để hành khách có thể nhìn trực tiếp cảnh quan bên ngoài khi ngồi trong khoang. Tuy nhiên, khi được kênh truyền hình CNN hỏi về chiếc camera đó, hãng hàng không không đưa ra bình luận.
Nếu như tin trên được xác thực, thì đây không là phải là lần đầu tiên tên lửa Triều Tiên bị bắt gặp bởi một máy bay thương mại.
Trước đó, ngày 28/7, một máy bay của hãng hàng không Air France bay qua khu vực phía đông địa điểm rơi xuống của tên lửa Triều Tiên, chỉ cách 5-10 phút trước khi vũ khí trên rơi xuống mặt nước. Theo dữ liệu ghi nhận lại, thời điểm đáp xuống mặt biển, chuyến bay chỉ cách địa điểm rơi từ 95-112 km về phía bắc.
Cùng lúc đó, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis cảnh báo tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên thử trong tháng 7 đã “bay qua vùng không phận tấp nập các chuyến bay thương mại”.
Theo hướng dẫn cụ thể của Tổ Chức Hàng không Dân sự của Liên hợp Quốc, các quốc gia phải có “trách nhiệm đưa ra các lời cảnh báo trước bất kỳ mối đe dọa nào tới an toàn máy bay dân sự hoạt động trong không phận”.
Hàn Quốc cho biết quốc gia láng giềng phương bắc thường xuyên không thông báo trước điện văn thông báo Hàng không (NOTAM) khi triển khai phóng tên lửa. Những điện văn đó cho phép cảnh báo phi công và các hãng hàng không nguy hiểm rình rập trong chặng bay.
Theo chuyên gia an ninh hàng không David Soucie, nguy cơ một tên lửa vô tình trúng phải một máy bay là “1 phần một tỷ” song nếu một tên lửa đạn đạo tới gần một máy bay thương mại, không thể nào để phi hành đoàn có thể phát hiện ra.