Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong những trường hợp cực đoan, khả năng xảy ra cướp bóc và biểu tình là không thể bị loại trừ. Bên cạnh đó, Thụy Sĩ cần chuẩn bị cho kịch bản không thể rút tiền từ ATM, hệ thống sưởi ngừng hoạt động và đường phố chìm trong bóng tối, dù theo quan điểm của ông Fässler là khó có thể xảy ra.
Ông Fässler cho biết thêm, một cuộc tập huấn quốc gia được thiết kế để kiểm tra cách các tổ chức an ninh và dịch vụ khẩn cấp có thể đối phó với tình trạng thiếu điện vào năm 2014 đã phát hiện nhiều thiếu sót lớn, chẳng hạn như thiếu máy phát điện dự phòng cho cảnh sát, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Những vấn đề này đến nay đã được khắc phục. Các cơ quan an ninh cấp bang đã vận động thành công để tham gia tích cực hơn vào các nỗ lực lập kế hoạch ở cấp liên bang.
Hiện giới chuyên gia cảnh báo Thụy Sĩ có thể đối mặt tình trạng thiếu điện và khí đốt trong mùa Đông dù nguồn cung hiện tại đã đủ và lượng dự trữ đáng kể. Bộ trưởng Năng lượng Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga hồi đầu tuần đã bảo vệ chiến lược năng lượng của Thụy Sĩ, khẳng định một loạt phương án đang được tìm hiểu để ngăn chặn tình trạng xảy ra mất điện trong mùa Đông này.
Những lo ngại về nguồn cung khí đốt đang trở thành nguyên nhân gây căng thẳng giữa Thụy Sĩ và một số nước láng giềng châu Âu. Không có thỏa thuận điện nào giữa Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu (EU) sau khi các cuộc đàm phán về một thỏa thuận khung sụp đổ. Tuy nhiên, Thụy Sĩ vẫn liên kết chặt chẽ với mạng lưới khí đốt châu Âu. Chính phủ Thụy Sĩ hiện đàm phán với Đức và Italy để đàm phán một thỏa thuận đoàn kết trong trường hợp thiếu khí đốt. Hiện cả hai nước EU đều có luật hoặc đang xem xét điều chỉnh luật để ngăn chặn việc xuất khẩu khí đốt trong trường hợp khẩn cấp và điều này sẽ gây ra hậu quả cho Thụy Sĩ.