“Phái đoàn sẽ sớm tới Ankara để thảo luận vấn đề xin gia nhập NATO”, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời bà Linde đưa tin.
Trước đó vào hôm 15/5, đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển cầm quyền cho biết họ sẽ làm việc để Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO. Tuy nhiên, đảng này lưu ý rằng họ phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân và căn cứ quân sự của NATO trên lãnh thổ của mình nếu nước này gia nhập liên minh. Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tuyên bố “gia nhập NATO là điều tốt nhất cho Thụy Điển và an ninh của người dân nước này”.
Chỉ vài giờ sau khi nước láng giềng Phần Lan thông báo chính thức ý định gia nhập NATO, Thụy Điển đã đưa ra thông báo về quyết định tương tự. Quyết định sẽ được thảo luận tại Quốc hội Phần Lan vào ngày 16/5 và cuộc bỏ phiếu dự kiến được tổ chức vào ngày sau đó.
Hôm 14/5, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tiết lộ đa số người Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vì quan ngại rằng các nước Bắc Âu là nơi ẩn náu của những thành phần khủng bố người Kurd.
Hôm 15/5, ông Cavusoglu cho biết ông đã có cuộc gặp những người đồng cấp Phần Lan và Thụy Điển, đồng thời nói thêm rằng Ankara đã cung cấp tất cả các dữ liệu “chứng minh sự hợp tác của họ với các thành viên Đảng Công nhân Kurdistan (PKK)”. Ông Cavusoglu lưu ý rằng Helsinki và Stockholm bày tỏ sẵn sàng thảo luận vấn đề này với Ankara.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định ngăn cản các nỗ lực gia nhập khối của Thụy Điển và Phần Lan, đồng thời bày tỏ tin tưởng sẽ giải quyết được những quan ngại của Ankara. Ông Stoltenberg cũng bày tỏ tin tưởng NATO sẽ tìm được tiếng nói chung và tinh thần đồng thuận trong vấn đề liên quan kết nạp Thụy Điển và Phần Lan.