Thụy Điển đánh giá tư cách thành viên NATO như thế nào trong báo cáo an ninh mới

Báo cáo an ninh của Thụy Điển cho rằng tư cách thành viên NATO sẽ ngăn chặn xung đột.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist (thứ 5 từ trái sang) và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde (giữa) cùng nhóm phân tích chính sách an ninh công bố báo cáo trong cuộc họp báo tại Stockholm. Ảnh: EPA/EFE

Theo trang tin châu Âu Euractiv.com ngày 14/5, một ngày sau khi các nhà lãnh đạo Phần Lan cho biết nước này muốn có tư cách thành viên NATO vì lợi ích an ninh của riêng mình, Thụy Điển đã công bố bản đánh giá chính sách an ninh sửa đổi từ các đảng trong Quốc hội, nêu bật lợi thế của việc trở thành thành viên của Liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.

Báo cáo đánh giá: “Tư cách thành viên NATO của Thụy Điển có thể sẽ tăng ngưỡng xung đột quân sự và do đó có tác dụng răn đe ở Bắc Âu vì khuôn khổ hợp tác hiện nay không đảm bảo rằng Thụy Điển có thể được hỗ trợ khi là mục tiêu của mối đe dọa hoặc cuộc tấn công nghiêm trọng".

Báo cáo tuyên bố tư cách thành viên NATO là một biện pháp răn đe, lưu ý việc phát triển các liên minh quốc phòng song phương bên ngoài những cấu trúc hiện có của châu Âu và châu Âu-Đại Tây Dương là không thực tế.

Tuy nhiên, báo cáo an ninh mới đã không đưa ra một khuyến nghị cụ thể, mặc dù có nhiều kỳ vọng rằng Thụy Điển sẽ tiếp bước Phần Lan khi chính phủ nước này công bố quyết định xin gia nhập NATO trong những ngày tới.

Trước đó ngày 12/5, tờ Expressen đưa tin Chính phủ Thụy Điển có kế hoạch nộp đơn gia nhập NATO vào tuần tới. Quốc hội Thụy Điển sẽ tranh luận về tình hình an ninh vào ngày 16/5 và Thủ tướng Magdalena Andersson sẽ triệu tập một cuộc họp Nội các đặc biệt để đưa ra quyết định chính thức.

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde cảnh báo rằng cả tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển sẽ bị Nga coi là tiêu cực và không thể loại trừ một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Thụy Điển.

Trong đánh giá an ninh mới, báo cáo cũng lưu ý rằng có thể xuất hiện các biện pháp trả đũa và khiêu khích đối với Thụy Điển trong giai đoạn chuyển tiếp (giai đoạn chờ các thành viên NATO quyết định sau khi nước này nộp đơn), ví dụ như các cuộc tấn công mạng và các hình thức tấn công hỗn hợp khác.

Cả Thụy Điển và Phần Lan đã không liên kết về quân sự trong nhiều thập kỷ, nhưng tỷ lệ ủng hộ việc gia nhập NATO đã tăng lên mạnh mẽ sau ngày 24/2 khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Công Thuận/Báo Tin tức
Thụy Điển nhận được đảm bảo an ninh từ Mỹ nếu xin gia nhập NATO
Thụy Điển nhận được đảm bảo an ninh từ Mỹ nếu xin gia nhập NATO

Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho biết nước này đã nhận được đảm bảo an ninh của Mỹ trong quá trình xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song không cho biết thông tin chi tiết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN