Tên lửa đạn đạo Pershing II của Mỹ. Ảnh: Wikipedia |
Hiệp ước INF được Liên bang Xô Viết và Mỹ ký vào năm 1987. Hiệp ước cấm hai nước thử, sản xuất và sở hữu các tên lửa tầm trung lắp dưới mặt đất, do lo ngại vô tình sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng làm bùng phát một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Tuy nhiên, theo thượng nghị sĩ Tom Cotton, hiện là thành viên của Ủy ban Quân lực Hạ viện, Mỹ có thể “đi đường vòng” để tránh vi phạm thỏa thuận bằng cách chuyển công nghệ chế tạo tên lửa cho các nước đồng minh.
Kênh truyền hình RT đưa tin, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, D.C., thượng nghị sĩ Tom hối thúc Nhà Trắng “hỗ trợ vận chuyển công nghệ phát triển tên lửa đạn đạo cho các nước đồng minh”.
Ông giải thích rằng chỉ có Mỹ và Nga ký hiệp ước này. Các nước khác không ký. Ông nói: "Cho nên, thậm chí nếu chúng ta không thể chế tạo tên lửa tầm trung – điều đó không có nghĩa là đồng minh chúng ta không thể. Và cũng không có nghĩa là chúng ta không được giúp đỡ họ”.
Khi được hỏi liệu động thái này có phá hủy tinh thần và mục đích của Hiệp ước INF, thượng nghị sĩ Tom phản biện bằng cách cáo buộc Nga không tuân theo thỏa thuận INF và cho biết đề xuất của ông nhằm mục đích buộc Nga phải chơi theo luật: “Nếu họ không làm thế, tất nhiên, chúng ta cũng không nên tuân theo hiệp ước mà trong đó chúng ta là quốc gia duy nhất trên thế giới này bị cấm chế tạo một loại hệ thống vũ khí cụ thể”.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đang xem xét lại quan điểm hạt nhân của Mỹ, cụ thể là suy tính nên ở lại hay rút khỏi Hiệp ước INF.
Tháng 2 vừa qua, Mỹ cáo buộc Nga triển khai tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn vi phạm Hiệp ước. Phía Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc.
Trong khi đó, Nga cũng phàn nàn về những thiếu sót của Mỹ trong tuân thủ Hiệp ước INF. Nga cho biết chương trình máy bay không người lái của Mỹ về mặt kỹ thuật đã vi phạm thỏa thuận và tên lửa mục tiêu mà Mỹ sử dụng để thử nghiệm công nghệ chống tên lửa đạn đạo ABM có tầm bắn bị INF cấm. Nga cũng quan ngại về việc Mỹ lắp đặt hệ thống phóng thẳng đứng hải quân - một phần trong việc triển khai hệ thống AEGIS Ashore ở Đông Âu.