Theo mạng truyền hình CNN, Loewe - thương hiệu thời trang cao cấp có trụ sở tại Tây Ban Nha - giới thiệu bộ trang phục gây tranh cãi trên trong khi quảng bá bộ sưu tập lấy cảm hứng từ nghệ nhân gốm người Anh thế kỷ thứ 19 William De Morgan. Mỗi trang phục, vật dụng trong bộ sưu tập này có thể được bán với giá lên tới 5.000 USD (xấp xỉ 116 triệu đồng).
Ngay khi ra mắt, bộ trang phục đã thu hút sự chú ý và nhận làn sóng chỉ trích từ nhiều người, trong đó có Diet Prada – một tài khoản quan sát ngành thời trang trên Instagram – đã chỉ ra sự giống nhau giữa bộ quần áo dành các nạn nhân của Đức Quốc xã bị giam cầm trong các trại tập trung và trang phục mới của Loewe, khi chúng đều có kẻ sọc đen trắng bản to, nút áo thiết kế trễ.
Trong một động thái xoa dịu dư luận, Loewe đã đăng tải một lời xin lỗi lên tài khoản Instagram và cam kết bỏ trang phục ra khỏi website bán hàng.
“Thiết kế trong bộ sưu tập vinh danh nghệ nhân gốm William De Morgan có thể đã bị hiểu sai khi gợi nhớ đến một trong những giai đoạn đáng ghê sợ nhất trong lịch sử nhân loại. Chúng tôi chưa bao giờ có ý đó và chúng tôi xin lỗi bất kỳ ai cảm thấy chúng tôi thiếu nhạy cảm về những ký ức kinh hoàng. Bộ trang phục sẽ được gỡ xuống khỏi trang website thương mại của chúng tôi”.
Đây không phải là thương hiệu thời trang đầu tiên nhận chỉ trích vì bán quần áo có họa tiết tương tự quần áo các nạn nhân trong trại tập trung Đức Quốc xã phải mặc.
Năm 2014, hãng thời trang Zara cũng của Tây Ban Nha, đã phải xin lỗi vì bán áo phông có họa tiết sao vàng kẻ sọc, giống quần áo của tù nhân trong trại tập trung Do Thái. Mặc dù công ty giải thích chiếc áo được lấy cảm hứng từ ngôi sao trên cảnh phục trong các bộ phim phương Tây kinh điển, nhưng nhanh chóng gỡ bỏ khỏi website chỉ vài tiếng sau đó.