Theo hãng tin TASS (Nga), Tuyên bố chung 17 trang gồm ba trang tổng hợp những diễn biến diễn ra ở Syria kể từ cuộc họp trước đó của ba nhà lãnh đạo ở Tehran vào tháng 9/2018. Các bên nhấn mạnh quyết tâm tăng cường phối hợp ba bên theo các thỏa thuận hiện có và khẳng định lại “cam kết mạnh mẽ và không thay đổi của họ về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Ả Rập Syria", cũng như các mục tiêu và nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định rằng những nguyên tắc đó phải được tất cả các quốc gia tuân thủ.
Ba quốc gia cũng "từ chối mọi nỗ lực tạo ra trật tự mới của mọi thứ ‘trên mặt đất’, dưới vỏ bọc cuộc chiến chống khủng bố". Do đó, họ bày tỏ sẵn sàng chống lại các kế hoạch ly khai nhằm phá hoại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, cũng như an ninh quốc gia của các nước láng giềng.
Xét ở khía cạnh này, quyết định của chính phủ Mỹ rút lực lượng quân sự khỏi Syria sẽ là một bước tiến hướng tới tăng cường sự ổn định và an ninh ở Syria, Tuyên bố viết.
Bên cạnh đó, các bên tham dự Hội nghị đã tổ chức một cuộc thảo luận chi tiết về tình hình ở khu vực giảm căng thẳng Idlib ở tây bắc Syria; lên án các nỗ lực của nhóm khủng bố Heirat Tahrir al-Sham nhằm thiết lập quyền kiểm soát trong khu vực và nhất trí chống lại những nỗ lực đó một cách hiệu quả. Ba nhà lãnh đạo cũng đồng ý thực hiện các biện pháp thiết thực để giảm căng thẳng trong khu vực Idlib bằng cách thực hiện đầy đủ các thỏa thuận hiện có trong lĩnh vực này, bao gồm bản ghi nhớ ngày 17/9/2018 về ổn định tình hình Idlib.
Trên cơ sở đó, ba Tổng thống Putin, Erdogan và Rouhani đã khẳng định quyết tâm tiếp tục hợp tác với mục tiêu tiêu diệt các nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và Jabhat al-Nusrah, cũng như tất cả các cá nhân, nhóm, công ty và tổ chức khác có liên quan đến Al Qaeda và các nhóm khủng bố khác.
Các bên nhất trí phối hợp hoạt động ở phía đông Syria để đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực.
"Cuộc xung đột Syria không có giải pháp quân sự và chỉ có thể được giải quyết thông qua một quá trình chính trị, do chính người Syria lãnh đạo và thực hiện với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc, phù hợp với nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", Tuyên bố viết.
Để tạo ra một giải pháp ngoại giao kịp thời, các bên quyết tâm hỗ trợ ra mắt Ủy ban hiến pháp Syria trong khung thời gian ngắn nhất có thể. Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng coi trọng sự hợp tác và phối hợp với tất cả các bên của cuộc xung đột Syria và Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc cho Syria Geir Pedersen.
Các bên cũng hoan nghênh các cuộc trao đổi tù nhân thành công, được tổ chức vào ngày 24/11/2018 và ngày 12/2/2019. Bên cạnh đó, ba nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục nỗ lực cung cấp viện trợ nhân đạo cho tất cả thường dân, để giúp đất nước trở lại cuộc sống hòa bình. và để tạo điều kiện cho sự trở lại an toàn của những người bị ly tán bởi chiến tranh.