Ô tô chờ xuất khẩu tại cảng Pyeongtaek, Hàn Quốc ngày 2/4/2025. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Ông Choi đã đưa ra lời kêu gọi này tại cuộc họp về các vấn đề kinh tế vĩ mô, có sự tham dự của Thống đốc Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) Rhee Chang Yong và các lãnh đạo Ủy ban Dịch vụ Tài chính và Cơ quan Giám sát Tài chính. Bộ trưởng Choi nhận định dù Chính phủ Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày, những vẫn tồn tại những bất ổn do căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc và việc áp dụng thuế quan theo từng mặt hàng cụ thể. Ông nhấn mạnh các cơ quan hữu quan nên cảnh giác và chuẩn bị các kế hoạch ứng phó đối với nhiều tình huống khác nhau. Trong khi đó, nhà chức trách cũng cần tăng cường giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu chính phủ, ngoại hối và thị trường vốn.
Trong khi đó, nhằm giảm bớt tác động kinh tế do chi phí sinh hoạt tăng cao và thuế quan của Mỹ, liên minh cầm quyền Nhật Bản đang cân nhắc yêu cầu chính phủ nước này giảm thuế tiêu dùng.
Tờ Yomiuri dẫn các nguồn tin thân cận của đảng Công minh Komeito, đối tác liên minh của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, cho biết việc cắt giảm thuế sẽ được áp dụng tạm thời và tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, vốn đã tăng giá liên tục thời gian qua.
Tại cuộc họp của đảng Công minh Komeito, lãnh đạo đảng Tetsuo Saito nhấn mạnh biện pháp hiệu quả nhất là trực tiếp giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bằng cách cắt giảm thuế. Ông Tetsuo Saito cũng lưu ý do việc thực hiện cắt giảm thuế sẽ mất thời gian do cần Quốc hội thông qua, chính phủ nên hỗ trợ chi trả cho các hộ gia đình.
Tuy nhiên, một số thành viên của đảng LDP vẫn đang thận trọng vì thuế tiêu dùng là nguồn thu chính để chi trả cho các chi phí phúc lợi xã hội đang tăng vọt do vấn đề già hóa dân số của Nhật Bản.
Hiện mức thuế tiêu dùng tiêu chuẩn ở Nhật Bản là 10%, với một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống chỉ chịu mức thuế 8%.