Thủ tướng Pakistan cải tổ nội các

Thủ tướng Pakistan Imran Khan ngày 18/4 đã tiến hành một cuộc cải tổ nội các sâu rộng và bổ nhiệm ông Abdul Hafeez Sheikh làm Bộ trưởng Tài chính mới để thay thế cho ông Asad Umar, người vừa từ chức trước đó cùng ngày.

Chú thích ảnh
Ông Abdul Hafeez Sheikh trong cuộc họp tại Quốc hội Pakistan ở Islamabad ngày 5/6/2010. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Khan đã bổ nhiệm 10 bộ trưởng , trong đó có ông Sheikh, người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính dưới thời cầm quyền của Đảng Nhân dân Pakistan đối lập.

Trong thông báo trên Twitter trước đó, Bộ trưởng Umar cho biết Thủ tướng Khan có kế hoạch cải tổ Nội các, trong đó muốn điều chuyển ông sang nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Năng lượng của nước này. Tuy nhiên, ông Umar cho biết ông đã đề đạt nguyện vọng được rút khỏi mọi vị trí trong Nội các.

Cùng với thông báo từ chức, ông Umar bày tỏ tin tưởng chính phủ của ông Khan đang là niềm hi vọng lớn nhất đối với người dân Pakistan. Hiện Văn phòng Thủ tướng Khan chưa đưa ra bất cứ bình luận hoặc xác nhận nào trước thông tin nói trên và hiện không rõ việc thiếu vắng ông Umar có ảnh hưởng như thế nào đối với thỏa thuận giữa Pakistan và IMF.

Kể từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Pakistan đã tiếp nhận tổng cộng 12 gói cứu trợ của IMF. Gói vay gần đây nhất vào năm 2013 với tổng giá trị 6,6 tỷ USD. Ông Umar, sau khi nhậm chức hồi tháng 8/2018, đã dẫn đầu đoàn đàm phán Pakistan thượng lượng với IMF về gói vay mới, song ông đã vấp phải sự chỉ trích trước triển vọng kinh tế ảm đạm. Một quan chức Pakistan ngày 15/4 tiết lộ nước này và IMF đã đạt được "thỏa thuận trên nguyên tắc" về một chương trình cứu trợ, đồng thời hy vọng hai bên sẽ chính thức đạt được một thỏa thuận về gói cứu trợ này trong tháng 4.

Các cuộc thương lượng này đã bị trì hoãn từ năm 2018 sau khi các quan chức Pakistan lo ngại những điều kiện nghiêm ngặt mà IMF đưa ra cùng với thỏa thuận cho vay có thể làm suy yếu đà tăng trưởng vốn đã khó khăn của nước này. Đây cũng là điều mà nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo.

Theo dự báo của IMF và Ngân hàng thế giới (WB), kinh tế Pakistan dường như sẽ tăng khoảng từ 4% đến 4,5% trong năm tài chính kết thúc cuối tháng 6 tới. Ngoài IMF, Pakistan hiện đã nhận được nhiều khoản vay hàng tỷ USD từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Trung Quốc.

Tháng trước, Ngân hàng trung ương Pakistan đã tăng lãi suất tại thời điểm lạm phát ở nước này tăng lên mức cao nhất trong 5 năm qua, trong khi đồng nội tệ rupee đã mất 35% giá trị kể từ tháng 12/2017.

Lê Trung Kiên (TTXVN)
Bộ trưởng Tài chính Pakistan bất ngờ từ chức
Bộ trưởng Tài chính Pakistan bất ngờ từ chức

Ngày 18/4, Bộ trưởng Tài chính Pakistan Asas Umar đã thông báo từ chức trong bối cảnh Islamabad và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chuẩn bị hoàn tất thượng lượng về gói cứu trợ mới và dự kiến đạt được thỏa thuận chính thức vào cuối tháng 4 này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN