Trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo diễn ra tại Berlin về việc liệu Đức có sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận Brexit mới với Thủ tướng Anh Theresa May, bà Merkel cho rằng bà May phải thay đổi thỏa thuận "ly hôn", vốn đã bị Quốc hội nước này bác bỏ 2 lần.
Bà Merkel khẳng định: "Chúng tôi đang chờ đợi xem bà Theresa May nói gì và mong muốn gì để chúng tôi cố gắng đáp ứng những điều đó. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ xem Chính phủ Anh phản ứng ra sao với những gì đã xảy ra tại Quốc hội. Về cách giải quyết tình hình, tôi chưa thể đánh giá được mọi việc sẽ diễn ra như thế nào (tại Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vào ngày 21 và 22/3)".
Bà Merkel cho biết bà sẽ đấu tranh đến phút chót (29/3) để có thể có một Brexit trật tự. Bà nói: "Chúng tôi không có nhiều thời gian đề làm điều đó, nhưng dù sao cũng còn vài ngày".
Bà Merkel cho rằng bà muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Anh kể cả sau khi nước này rời khỏi "ngôi nhà chung châu Âu".
Trong khi đó, trong một động thái được cho là làm gia tăng lo ngại về một Brexit hỗn loạn, Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow đưa ra tuyên bố gây sốc trong chính phủ của bà May rằng không thể đưa ra một thỏa thuận không có gì thay đổi ra bỏ phiếu, trừ khi nó được thay đổi.
Cùng ngày, Thứ trưởng phụ trách Brexit Kwasi Kwarteng bày tỏ tin tưởng rằng vẫn còn cơ hội để Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May với EU trong cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 20/3. Nếu được thông qua, bà May sẽ đề nghị thời hạn hoãn Brexit 3 tháng, song nếu tiếp tục bị bác bỏ, bà sẽ phải tìm kiếm một thời hạn lâu hơn.
Thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May đã vấp phải sự phản đối lần thứ hai trong cuộc bỏ phiếu ngày 12/3 với tỉ lệ 391 phiếu chống và 242 phiếu thuận. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là số phiếu chênh lệch lần này đã rút xuống còn 149 phiếu, so với 230 phiếu trong lần bỏ phiếu đầu tiên vào tháng 1 vừa qua. Nguyên nhân là do một số nghị sĩ của đảng Bảo thủ bỏ phiếu chống thỏa thuận ở lần đầu đã quay sang ủng hộ trong lần bỏ phiếu thứ hai do lo ngại Brexit có thể bị trì hoãn hoặc bị bãi bỏ.
Hiện Chính phủ Anh vẫn đang nỗ lực để có được sự hậu thuẫn của Quốc hội trong cuộc bỏ phiếu lần thứ 3 về thỏa thuận Brexit.