Trong thông báo, Tổng chưởng lý Mandelblit nêu rõ "không có quy định pháp lý nào buộc thủ tướng phải từ chức".
Theo luật pháp Israel, các bộ trưởng không được tại vị sau khi bị buộc tội, song thủ tướng không bị buộc từ chức trừ khi bị kết tội và tất cả các kháng cáo đều vô hiệu. Ngoài ra, một thủ tướng cho dù từ chức vẫn có thể tiếp tục đảm nhiệm cương vị này cho đến khi chính phủ mới được thành lập.
Trước đó, ngày 21/11, Tổng chưởng lý Mandelblit tuyên bố sẽ truy tố Thủ tướng Netanyahu trong 3 vụ án riêng rẽ với các tội danh tham nhũng, gian lận và lạm dụng tín nhiệm. Thủ tướng Netanyahu đã bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng đây là "âm mưu đảo chính" chống lại ông, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục tại vị.
Thủ tướng Netanyahu có 30 ngày để thuyết phục Quốc hội Israel trao quy chế miễn trừ để không bị xét xử tại tòa. Tuy nhiên, Quốc hội Israel hiện chưa có Ủy ban Pháp lý, cơ quan chịu trách nhiệm xem xét yêu cầu miễn trừ trước khi yêu cầu này được đưa ra quốc hội để bỏ phiếu. Quốc hội Israel có thể mất tới 6 tháng mới có thể thành lập được Ủy ban này.
Hiện các quan chức pháp lý cao cấp đang thảo luận tác động của việc truy tố Thủ tướng Netanyahu, trong khi các đối thủ chính trị và các nhóm hoạt động kêu gọi Thủ tướng Netanyahu từ chức, cho rằng ông không thể điều hành đất nước một cách hiệu quả khi phải đối diện các cáo buộc hình sự.
Chủ tịch đảng Yisrael Beiteinu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman nêu rõ việc trao quy chế miễn trừ cho Thủ tướng Netanyahu "sẽ gây tổn hại lòng tin của công chúng". Đảng Yisrael Beiteinu giành được 8 ghế trong cuộc bầu cử ngày 17/9 vừa qua, theo đô ông Lieberman nắm giữ chìa khóa quyết định việc Thủ tướng Netanyahu có thành lập được chính phủ cánh hữu hay không.
Công đảng cũng cho biết sẽ trình Tòa án tối cao đơn yêu cầu ông Netanyahu từ chức.
Tình hình chính trường Israel vẫn chưa ngã ngũ sau khi phải tổ chức bầu cử Quốc hội 2 lần chỉ trong vòng 5 tháng (vào tháng 4 và tháng 9) và đến nay vẫn chưa thể thành lập được chính phủ mới. Việc cả hai đảng là Xanh-Trắng (chiếm 33 ghế) và đảng Likud (chiếm 32 ghế) đều không đủ đa số quá bán trong Quốc hội 120 ghế để tự thành lập chính phủ khiến cuộc khủng hoảng chính trị tại Israel bế tắc kéo dài.
Thủ tướng Netanyahu đứng đầu đảng Likud và Tướng Benny Gantz đứng đầu đảng Xanh-Trắng đã được Tổng thống Reuven Rivlin lần lượt chỉ định đứng ra thành lập chính phủ liên hiệp sau bầu cử, song đều đã thất bại. Sau khi ông Gantz thất bại trong thành lập chính phủ mới trước thời hạn chót ngày 20/11, Tổng thống Rivlin đã ủy nhiệm cho Quốc hội Israel chỉ định người đứng ra thành lập chính phủ, với hạn chót ngày 11/12.
Người được chỉ định phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 61/120 nghị sĩ trong quốc hội. Thủ tướng Netanyahu cũng như ông Gantz đều có thể lại được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ nếu đáp ứng điều kiện này. Trong trường hợp không có nhân vật nào đáp ứng điều kiện này, Israel sẽ phải tổ chức bầu cử lần thứ ba trong vòng chưa đầy 12 tháng. Nếu khả năng này xảy ra, cuộc bầu cử dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 3/2020.