Trong bài biết đăng trên trang nhất của nhật báo Israel Yediot Aharonot, Thủ tướng Anh tự nhận mình là người bảo vệ Israel, song ông cũng cảm thấy buồn khi biết tin về các đề xuất sáp nhập lãnh thổ Palestine. Ông nhận định “những đề xuất này có thể không đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh biên giới Israel và đi ngược với lợi ích lâu dài của chính Israel”.
Trước đó, chính phủ liên minh Israel đã nhất trí ngày 1/7 là thời điểm bắt đầu triển khai đề xuất hòa bình Trung Đông của Tổng thống Donald Trump. Đề xuất này được cho là tạo điều kiện cho Israel sáp nhập khu tái định cư Bờ Tây của người Do Thái và có thể là thêm Thung lũng Jordan.
“Hành động sáp nhập là vi phạm luật pháp quốc tế. Điều này gây nguy hiểm đối với những nỗ lực mà Israel đang làm để cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo và Arab. Tôi vẫn tin rằng cách duy nhất để đạt được an ninh lâu dài và đích thực cho Israel là thông qua một giải pháp đảm bảo công lý và an ninh cho cả người Israel và Palestine”, nhà lãnh đạo Anh viết.
Thủ tướng Johnson nhấn mạnh Anh sẽ không công nhận bất kỳ sự thay đổi nào đối với đường biên giới năm 1967 ngoại trừ những thay đổi đạt được sự đồng thuận từ hai bên.
Tháng trước, trong một bài luận đăng trên báo Israel, Đại sứ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Mỹ Yousef al-Otaiba cảnh báo kế hoạch sát nhập Bờ Tây sẽ gây nguy hiểm cho bất kỳ tín hiệu lạc quan nào trong quan hệ Arab-Israel.
Chính phủ Israel có kế hoạch sáp nhập hơn 30% diện tích khu vực Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan, đồng thời có kế hoạch áp đặt chủ quyền đối với một số khu định cư Do Thái tại vùng lãnh thổ này. Kế hoạch này ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của rất nhiều nước.
Hiện có trên 450.000 người Israel sinh sống tại các khu định cư ở Bờ Tây và khoảng 200.000 người sống ở Đông Jerusalem. Có khoảng 2,8 triệu người Palestine cũng đang sinh sống ở Bờ Tây.