Thông điệp từ chuyến thăm Philippines của Phó Tổng thống Mỹ

Một hòn đảo vốn nổi tiếng về du lịch tại Philippines nay trở thành địa điểm gây quan tâm về mặt chính trị khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ghé thăm.

Chú thích ảnh
Phó Tổng thống Kamala Harris (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Manila ngày 21/11. Ảnh: AP 

Kênh CNN (Mỹ) cho biết Palawan là nơi có các khu nghỉ dưỡng và một căn cứ quân sự Mỹ. Phó Tổng thống Harris theo lịch trình sẽ tới nơi này vào ngày 22/11.

Bà Harris đã gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vào ngày 21/11. Hai bên thảo luận về 21 dự án mới được Mỹ hỗ trợ kinh phí, bao gồm bổ sung thêm các cơ sở quốc phòng quanh Philippines với địa điểm cụ thể chưa được tiết lộ. CNN cho rằng điều này là thông điệp của Washington gửi đến Bắc Kinh phản ánh Mỹ hình thành quan hệ chặt chẽ hơn với Manila.

Theo Nhà Trắng, những dự án này thuộc Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) giữa hai quốc gia. Điều này tạo điều kiện để binh sĩ Mỹ sử dụng một số địa điểm được chấp thuận tại Philippines cho huấn luyện an ninh và tập trận quân sự chung.

Nhưng mối quan hệ quốc phòng Mỹ- Philippines còn sâu sắc hơn thế nữa. Từng có 2 căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở hải ngoại nằm tại Philippines là căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Vịnh Subic. Chúng đã đóng cửa vào đầu thập niên 1990. Bên cạnh đó còn có hiệp ước quốc phòng song phương ký kết năm 1951 vẫn có hiệu lực với nội dung cả hai nước sẽ hỗ trợ nhau phòng vệ nếu bị tấn công bởi bên thứ ba. Phát biểu trước các phóng viên ngày 21/11, bà Harris tái khẳng định cam kết của Washington với hiệp ước này. Ngồi bên cạnh bà Harris, ông Marcos Jr. phát biểu: “Tôi đã nói nhiều lần, không có chuyện trong tương lai của Philippines lại thiếu Mỹ, điều đó xuất phát từ mối quan hệ đã rất lâu với Mỹ”.

Quan hệ Philippines và Mỹ đã có giai đoạn “gập ghềnh” 6 năm dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte. Chuyên gia Gregory Poling tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định rằng Mỹ và Philippines đang cùng vượt qua “những năm khó khăn đó”.

Ông Poling cho rằng chuyến thăm của bà Harris gửi thông điệp mạnh mẽ ủng hộ Philippines, đặc biệt là khi Phó Tổng thống Mỹ đến Palawan, hòn đảo nằm gần Biển Đông. Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn”. Theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn".

Bên lề Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 vào ngày 17/11, Tổng thống Philippines Marcos Jr. và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều nhất trí rằng các vấn đề hàng hải “không định rõ toàn bộ quan hệ Philippines – Trung Quốc”.

Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines - ông Rommel Banlaoi cho biết nhiệm vụ lớn của Tổng thống Marcos Jr. là tăng cường và hiện đại hóa hệ thống phòng thủ của nước này với hỗ trợ từ Mỹ đồng thời thiết lập đối thoại thân tình với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ kinh tế.

Trong chuyến thăm Philippines, bà Harris dự kiến ra tuyên bố về hợp tác giữa Washington cùng Manila về các lĩnh vực khác ngoài quốc phòng như năng lượng sạch, viễn thông, an ninh mạng và nông nghiệp.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo CNN)
Trung Quốc thúc đẩy hợp tác với Singapore và Philippines
Trung Quốc thúc đẩy hợp tác với Singapore và Philippines

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 17/11 đã có các cuộc gặp riêng rẽ với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 đang diễn ra ở Thái Lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN