Philippines nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN

ASEAN luôn là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Philippines và thông qua các Hội nghị Cấp cao này, Tổng thống Marcos sẽ bày tỏ sự ủng hộ liên tục của Philippines đối với vai trò trung tâm của ASEAN...

Chú thích ảnh
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Philippines tại Việt Nam Meynardo Los Banos Montealegre. Ảnh tư liệu: Lâm Khánh/TTXVN.

Nhân dịp các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan đang diễn ra tại Campuchia từ ngày 10-13/11, Đại sứ Phillippines tại Việt Nam Meynardo Los Banos Montealegre đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, trong đó đề cập tới những ưu tiên của Philippines, sự phục hồi kinh tế và du lịch trong khu vực trong giai đoạn hậu COVID-19 trong khu vực; những thách thức mà ASEAN đang gặp phải.

Tổng thống Phillippines, Ferdinand R. Marcos, Jr sẽ lần đầu tiên tham dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 với tư cách là Tổng thống thứ 17 của Philippines. Xin ông cho biết những ưu tiên của Tổng thống Marcos tại các Hội nghị Cấp cao này?

Tại các hội nghị lần này, Tổng thống Ferdinand R. Marcos, Jr sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo ASEAN khác về nhu cầu hợp tác hơn nữa về an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, hợp tác y tế và phục hồi kinh tế.

ASEAN luôn là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Philippines và thông qua các Hội nghị Cấp cao này, Tổng thống Marcos sẽ bày tỏ sự ủng hộ liên tục của Philippines đối với vai trò trung tâm của ASEAN, bày tỏ sự ngưỡng mộ tới Campuchia với tư cách là đương kim Chủ tịch ASEAN và đảm bảo sự ủng hộ đầy đủ đối với Indonesia - nước sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm sau.

Tổng thống Marcos sẽ đề cập tới các vấn đề khu vực như đại dịch, tình hình ở Myanmar, diễn biến ở Biển Đông, và cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, cùng những vấn đề khác. Trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Marcos sẽ tìm kiếm sự hợp tác với các lãnh đạo khác của ASEAN về các vấn đề quan trọng hoặc những ưu tiên của Chính phủ Phillippines như an ninh lương thực, hợp tác thương mại và biến đổi khí hậu. Tổng thống nhấn mạnh rằng thông qua các Hội nghị Cấp cao, ông đặt mục tiêu tạo dựng các quan hệ đối tác mới và củng cố các quan hệ hiện hữu thông qua việc quảng bá Philippines không chỉ là trung tâm đầu tư và du lịch mà còn là một đối tác tin cậy của các nước láng giềng ASEAN và ngoài khu vực.

Ông đánh giá như thế nào về sự phục hồi kinh tế và du lịch của khu vực trong giai đoạn hậu COVID-19 và ASEAN nên làm gì để thúc đẩy vai trò trung tâm của khối trong kết nối khu vực?

Hoạt động kinh tế và du lịch trên toàn khu vực gần như đã trở lại bình thường. Thực tế là có nhu cầu nhu cầu rất lớn về hàng hóa và dịch vụ, nhiều người trong khối ASEAN mong muốn được đi du lịch. Tuy nhiên, nhu cầu này đang bị ảnh hưởng do tỷ lệ lạm phát cao, thiếu hụt các nguyên liệu đầu vào quan trọng do gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt trầm trọng các nguồn cung năng lượng.

Nhu cầu đi du lịch trong khu vực đã lấy lại đà tăng trưởng ngay cả khi số lượng khách du lịch Trung Quốc hơn so với những năm trước. Nhưng như tôi đã đề cập, chi phí nhiên liệu cao và thiếu nguồn nhân lực có chất lượng trong ngành khách sạn, dịch vụ và ngành hàng không đang đẩy chi phí lên cao, gây bất lợi cho du khách và ngành du lịch.

Do đây là những vấn đề mang tính xuyên biên giới, tôi cho rằng những vấn đề này phải được ASEAN thảo luận chung trong các Hội nghị Cấp cao. Việc duy trì kết nối và đảm bảo độ tin cậy của các tuyến cung ứng là rất cần thiết vì các quốc gia khác ở Tây bán cầu và ở châu Âu đang phải đối mặt với các vấn đề trong nước và khu vực. Do thế giới đang đứng trước mối lo về một cuộc suy thoái toàn cầu, ASEAN phải tiếp tục kiên định với các cam kết kinh tế và chính trị của mình. ASEAN phải tiếp tục là một bên đóng góp tin cậy cho sự ổn định kinh tế toàn cầu và hòa bình chính trị.

Các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, đang phải đối mặt với những thách thức to lớn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo Đại sứ, ASEAN cần làm gì để giải quyết vấn đề này?

Việt Nam và Philippines cùng khu vực này đang phát triển rất nhanh. Mức sống cũng đang thay đổi nhanh chóng và cùng với đó là nhu cầu về các nguồn năng lượng gây phát thải khí nhà kính trong khu vực ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, vì nhiều nước ASEAN như Việt Nam và Philippines có lợi ích lớn nhất trong việc đảm bảo giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, ASEAN phải tiếp tục cam kết thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, kinh tế xanh và thực hiện các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.

Đại sứ đánh giá như thế nào về sự tham gia và đóng góp của Việt Nam vào việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN bình đẳng, mạnh mẽ và bao trùm vì hòa hợp, hòa bình, thịnh vượng trong khu vực?

Việt Nam đã tham gia rất tích cực vào khu vực ASEAN. Tôi ấn tượng với sự tiến bộ về chính trị và kinh tế của Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN 27 năm trước. Việt Nam là một bên đóng góp đáng tin cậy cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực ASEAN thông qua việc tuân thủ và thúc đẩy luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương, cũng như hội nhập với các quốc gia ASEAN và các nước châu Á - Thái Bình Dương khác.

Việt Nam đã đóng góp nhiều cho ASEAN. Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam đã đăng cai tổ chức một số cuộc họp và hội nghị cấp cao của ASEAN và sẽ tổ chức nhiều cuộc họp liên quan đến ASEAN ở cấp bộ trưởng. Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2010 và năm 2020 cũng như vai trò là điều phối viên giữa ASEAN và các nước đối tác quan trọng.

Ở trong nước, tôi ấn tượng với các chương trình, dự án sôi động và có trọng tâm đã được nhiều tỉnh, thành của Việt Nam thực hiện nhằm khích lệ sự gắn kết và nhận thức về ASEAN của người dân.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Mai Hiên/TTXVN (thực hiện)
Xây dựng ASEAN trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao
Xây dựng ASEAN trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao

Nhân Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị liên quan tại Thủ đô Phnom Penh của Campuchia từ 10 - 13/11, Đại sứ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về những đóng góp của Lào cho việc hiện thực hóa chủ đề của năm ASEAN 2022, những thành quả của ASEAN trong phục hồi kinh tế, du lịch hậu COVID-19; sự phối hợp giữa Lào và Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng ASEAN ổn định, mạnh mẽ, bao trùm vì sự hòa hợp, hòa bình và ổn định ở khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN