Thông điệp trái chiều của Mỹ và Iran về thỏa thuận hạt nhân

Trong khi lãnh đạo tối cao Iran cảnh cáo rời xa thỏa thuận hạt nhân 2015 thì Tổng thống Mỹ lại cho rằng có “nhiều tiến triển”.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei phát biểu trong một sự kiện ngày 16/7. Ảnh: Reuters

Căng thẳng giữa hai quốc gia đã gia tăng kể từ năm 2018 khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015.

Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), tiếp đó, Mỹ còn tái áp đặt lệnh trừng phạt và dùng chính sách gây áp lực với Iran.

Trong một diễn biến đáng quan tâm, Iran cho biết chưa sẵn sàng đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Tổng thống Trump cho rằng Washington đã đạt được tiến triển trong giải quyết xung đột với Tehran.

Trong một cuộc họp tại Nhà Trắng tháng 7, Ngoại trưởng Pompeo cho biết Iran đã ngỏ ý sẵn sàng đàm phán về tên lửa đạn đạo của nước này. Cũng trong sự kiện, Tổng thống Trump nêu rõ: "Chúng ta sẽ theo dõi điều gì có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, đã có nhiều tiến triển".

Dường như Ngoại trưởng Pompeo đang đề cập đến phát biểu của người đồng cấp Iran rằng Tehran sẽ đàm phán về chương trình tên lửa nếu Washington ngừng cấp vũ khí cho đồng minh Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia. Theo Reuters, đây là điều khó có khả năng xảy ra.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trong lần trả lời phỏng vấn của kênh NBC (Mỹ) từng nói rằng nếu Mỹ gỡ bỏ lệnh trừng phạt được tái áp đặt từ năm 2018 thì cánh cửa dành cho đàm phán sẽ được mở rộng. Iran từng nhiều lần tuyên bố không đàm phán nếu vẫn còn tồn tại lệnh trừng phạt. Bên cạnh đó, Iran cũng khẳng định chương trình tên lửa đạn đạo của nước này có mục đích phòng vệ và không thể đem ra để đàm phán.

Lo ngại về xung đột Mỹ-Iran gia tăng kể từ tháng 5 khi xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào tàu chở dầu tại Vùng Vịnh. Iran còn bắn hạ máy bay trinh sát không người lái của Mỹ. Washington đã lên kế hoạch không kích Iran nhưng đã hủy vào phút chót.

Vào ngày 16/7, lãnh đạo tối cao Iran tuyên bố nước này sẽ không tuân thủ những những hạn chế hoạt động hạt nhân quy định trong thỏa thuận đạt được năm 2015.

Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei cáo buộc Anh, Đức và Pháp đã không tuân thủ điều khoản trong thỏa thuận để giúp Iran khôi phục khả năng tiếp cận thương mại toàn cầu.

Các thanh tra hạt nhân Liên hợp quốc trong tháng 7 xác nhận Iran làm giàu urani vượt mức 3,67%, nhưng mức làm giàu urani của Iran vẫn nằm dưới mức 20% quốc gia này đạt được trước thỏa thuận.

Iran khẳng định không có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân nhưng việc làm giàu urani có thể thay đổi nếu Mỹ quay trở lại thỏa thuận. Ngoài ra, Iran còn cáo buộc Mỹ kích động “chiến tranh kinh tế”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Sửa luật ngăn Tổng thống Trump tấn công quân sự Iran, phe Dân chủ có đi tới cùng được không?
Sửa luật ngăn Tổng thống Trump tấn công quân sự Iran, phe Dân chủ có đi tới cùng được không?

Một liên minh các nhà lập pháp lưỡng đảng tại Hạ viện Mỹ đã đạt một bước tiến lớn trong việc kiềm chế Tổng thống Trump phát động cuộc chiến với Iran, tuy nhiên động thái này sẽ vấp phải sự kháng cự lớn từ phe Cộng hoà ở Thượng viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN