Theo kênh tin tức Qatar Aljazeera News, các bức ảnh là những gợi ý quan trọng để giới chuyên gia giải mã thông điệp ngầm của Bình Nhưỡng – đặc biệt là trong năm 2019, một năm chứng kiến nhiều biến động ngoại giao giữa Chủ tịch Kim Jong-un và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“2019 là một năm rất dài. Vẫn còn rất nhiều mục tiêu dài hạn cần phải đạt được”, C. Harrison Kim – Giáo sư tại Đại học Hawaii ở Manoa (Mỹ) – nhận định. Trong bối cảnh viễn cảnh ngoại giao còn khá mờ mịt, loạt hình ảnh trên có thể là tín hiệu, mang hàm ý về chiến lược của quốc gia Đông Bắc Á này trong năm 2020.
Chỉ còn chưa đầy 1 ngày nữa, hạn chót cho tiến trình đàm phán phi hạt nhân mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề ra cho Mỹ sẽ kết thúc. Giới chuyên gia lo ngại động thái tiếp theo của Triều Tiên sẽ không chỉ còn là những “bức thư đẹp đẽ” giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump.
"Triều Tiên muốn Mỹ đưa ra một đề nghị cụ thể. Ông Kim Jong-un rất rõ ràng về điều này. Ông ấy đã đặt ra thời hạn chót", John Delury, Phó giáo sư tại Trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Yonsei (Hàn Quốc), cho hay.
Một trong những bức ảnh gần đây gây chú ý của nhà lãnh đạo Triều Tiên là ông cưỡi một con bạch mã trên ngọn núi thiêng Paektu. Hình ảnh "một mình một ngựa" trong bức ảnh rõ ràng có lý do. Giới chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn chứng minh ông có thể vững vàng, bất chấp quan hệ đang bế tắc với Seoul và Washington.
Tính biểu tượng trên ngọn núi Paektu
“Lần gần đây nhất Chủ tịch Kim Jong-un đến thăm núi Paektu là với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in sau Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng hồi tháng 9/2018, với lời hứa hẹn từ đây Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ xây dựng sự thịnh vượng cùng nhau. Lần này, tôi nghĩ hình ảnh ông Kim Jong-un một mình một ngựa là mang thông điệp riêng. Bức ảnh dường như muốn nói: Tôi sẽ tự mình tìm kiếm sự thịnh vượng”, Jenny Town – chuyên gia phân tích tại trang web chuyên giám sát Triều Tiên 38 North – nhận định.
Ngọn núi Paektu là biểu tượng linh thiêng trong lịch sử Bán đảo Triều Tiên. Núi Paektu được cho là nơi các lãnh đạo Triều Tiên đã chào đời và khai thông những quyết sách trọng đại.
"Tôi nghĩ bức ảnh dùng để chứng minh Chủ tịch Kim Jong-un ấy là một nhà lãnh đạo có năng lực, đa tài, có khả năng lãnh đạo thiên bẩm. Chúng ta nhìn thấy ông ấy trò chuyện với công nhân nhà máy trong một bức ảnh, cưỡi ngựa một mình trong bức ảnh khác. Ông ấy tìm cách thể hiện bản thân là một nhà lãnh đạo có thể xử lý mọi tình huống", chuyên gia C Harrison Kim phân tích.
Bức tranh của sự thịnh vượng
Từ những bức ảnh mà truyền thông nhà nước Bình Nhưỡng công bố, khó có ai hình dung đây là quốc gia đang phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề của phương Tây.
Đầu tháng 12, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố loạt ảnh về thành phố mới xây dựng với tên gọi Samjiyon, nơi có khu nghỉ dưỡng trượt tuyết cao cấp và hàng nghìn ngôi nhà.
"Chương trình nghị sự của Triều Tiên sẽ là chương trình nghị về phát triển kinh tế. Vì vậy tôi nghĩ dự án này có tầm quan trọng rất lớn. Nó thể hiện nền kinh tế vẫn hùng mạnh bất chấp các lệnh trừng phạt và khó khăn mà đất nước trải qua. Tất nhiên, Triều Tiên muốn lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, song các bức ảnh khánh thành thành phố mới gửi gắm thông điệp rằng họ sẽ luôn tìm được cách sống sót và thậm chí vươn cao hơn”, bà Town lý giải.
Cũng theo giới quan sát, bài phát biểu năm mới của Chủ tịch Kim Jong-un năm 2020 sẽ không còn nói quá nhiều về hòa bình.
“Năm ngoái, bài phát biểu phần lớn nói về hòa bình với Hàn Quốc và Mỹ, song năm nay, tôi e rằng chúng ta sẽ không được chứng kiến bài phát biểu tương tự. Thay vào đó, ông Kim Jong-un sẽ nói ‘Chúng tôi tìm cách giải quyết bằng ngoại giao song không hiệu quả. Và nhìn xem, chúng tôi vẫn hùng mạnh, phát triển',", chuyên gia Town kết luận.