Theo tờ Wall Street Journal ngày 14/12, những phác thảo về nỗ lực ban đầu của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine từ chuyến thăm châu Âu tuần trước đang bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên. Điểm chính rút ra là: Châu Âu sẽ phải gánh vác phần lớn gánh nặng hỗ trợ Ukraine bằng lực lượng để giám sát lệnh ngừng bắn và vũ khí để ngăn ngừa các cuộc tấn công từ Nga.
Trong cuộc họp tại Paris, Tổng thống đắc cử Trump đã nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng ông không ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO, nhưng ông muốn thấy một Ukraine mạnh mẽ, được trang bị vũ khí tốt hơn.
Ông Trump cho biết châu Âu nên đóng vai trò chính trong việc bảo vệ và hỗ trợ Ukraine và ông muốn quân đội châu Âu có mặt tại Ukraine để giám sát lệnh ngừng bắn. Ông Trump không loại trừ khả năng Mỹ hỗ trợ thỏa thuận này, mặc dù sẽ không có binh sĩ Mỹ nào tham gia.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng thúc đẩy châu Âu làm nhiều hơn nữa để Trung Quốc gây sức ép với Điện Kremlin chấm dứt xung đột. Các bên cũng đã thảo luận về việc sử dụng thuế quan đối với Trung Quốc như một con bài mặc cả, nếu Bắc Kinh không đồng ý làm như vậy.
Tổng thống đắc cử Trump từ lâu đã nói rằng ông muốn chấm dứt nhanh chóng cuộc chiến kéo dài gần 3 năm nhưng lại đưa ra rất ít chi tiết trước công chúng về cách ông dự định đạt được điều đó. Các quan chức châu Âu tiết lộ trong các cuộc thảo luận sau bầu cử, Tổng thống đắc cử Mỹ chủ yếu đặt câu hỏi và tìm kiếm lập trường về cuộc xung đột, và họ không nghĩ rằng ông Trump đã hình thành một kế hoạch rõ ràng về việc phải làm gì.
Bất kỳ nỗ lực nào nhằm chấm dứt giao tranh tranh đều sẽ phải đối mặt với những "cơn gió ngược mạnh", đặc biệt là từ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đối với Ukraine, một lệnh ngừng bắn dọc theo các chiến tuyến hiện tại cũng sẽ là một bước đi đau đớn, nhượng lại quyền kiểm soát trong tương lai gần đối với 20% diện tích lãnh thổ nước này.
Các trợ lý của Tổng thống đắc cử Trump cho biết ông vẫn chưa hài lòng với bất kỳ kế hoạch cụ thể nào về Ukraine và chưa suy nghĩ sâu sắc về vấn đề này khi chuẩn bị nắm quyền. Các thành viên trong nhóm chuyển giao và những người thân tín của ông Trump đang soạn thảo các đề xuất và tóm tắt cho ông. Các quyết định quan trọng sẽ được đưa ra sau khi nhóm an ninh quốc gia của ông Trump được thành lập và Tổng thống đắc cử Mỹ có thêm các cuộc trao đổi với các đồng minh - và có thể là cả Tổng thống Putin.
Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích viện trợ của Mỹ cho Ukraine, làm dấy lên mối lo ngại ở Kiev và các nước châu Âu rằng ông có thể cắt đứt viện trợ. Trong khi các nước châu Âu đã cung cấp tổng viện trợ cho Ukraine nhiều hơn Mỹ, Washington đặc biệt quan trọng đối với viện trợ quân sự. Năng lực quân sự của châu Âu có hạn, và Ukraine chủ yếu dựa vào nguồn cung cấp từ Lầu Năm Góc để duy trì cuộc đối đầu với Nga.
Một số cố vấn của ông Trump đã hoan nghênh quyết định gần đây của chính quyền Biden về việc cung cấp cho Ukraine vũ khí có thể tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga, tin rằng điều này sẽ tạo đòn bẩy cho chính quyền Mỹ mới thúc đẩy Nga đàm phán.
Nhưng ông Trump đã chỉ trích động thái này. "Tôi cực kỳ phản đối việc bắn tên lửa hàng trăm km vào Nga", ông Trump nói với tờ The Time trong một bài báo được công bố tuần này, khi tạp chí vinh danh ông là "Nhân vật của năm 2024".
Trong khi đó, các cuộc thảo luận về việc đưa binh sĩ châu Âu đến Ukraine vẫn đang ở giai đoạn đầu, với một số câu hỏi chưa được giải quyết, bao gồm những quốc gia châu Âu nào sẽ tham gia, số lượng quân, vai trò của Washington trong việc hỗ trợ thỏa thuận này và liệu Nga có chấp nhận một thỏa thuận liên quan đến quân đội từ các nước NATO hay không.
“Tổng thống Zelensky và Ukraine muốn đạt được thỏa thuận và chấm dứt cuộc xung đột này. Cần phải có lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các cuộc đàm phán nên bắt đầu”, ông Trump viết trên nền tảng Truth Social của mình sau cuộc họp ở Paris.