Nắng nóng khắc nghiệt
Theo hãng tin Reuters (Anh), giới chức đã nhiều lần cảnh báo Trung Quốc là quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu, do dân số đông và nguồn cung nước phân bổ không đồng đều, ngay cả khi cơ sở hạ tầng phát triển và các chính sách tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của đất nước được triển khai.
Trung Quốc đã ghi nhận số ngày nắng nóng nhiều nhất trong 6 thập kỷ qua. Từ tháng 1 đến tháng 6, nước này đã ghi nhận 4,1 ngày có nhiệt độ cao hơn mức 35,5 độ C. Đây là con số cao nhất cùng thời điểm kể từ khi có các ghi chép khí tượng năm 1961 và nhiều hơn mức trung bình hàng năm 2,2 ngày. Nhiệt độ ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa vào tháng 7 và tháng 8.
Cho đến nay, miền Bắc Trung Quốc đã phải hứng chịu hậu quả của những đợt nắng nóng khắc nghiệt. Trong tháng 6, Bắc Kinh ghi nhận 13,2 ngày có nhiệt độ cao ít nhất 35 độ C, số ngày siêu nóng cao nhất trong tháng kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi chép vào năm 1961. Thủ đô của Trung Quốc cũng đã chứng kiến nhiệt độ tăng lên 40 độ C trong nhiều ngày liên tiếp.
Giới chuyên gia lo ngại đợt hạn hán tương tự năm 2022 sẽ lặp lại trong năm nay. Năm ngoái, Trung Quốc đã chứng kiến đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 60 năm. Vào giai đoạn đỉnh điểm, đợt hạn hán đã ảnh hưởng đến 6,09 triệu ha cây trồng với thiệt hại kinh tế lên tới hàng tỷ nhân dân tệ.
Trong khi đó, lượng mưa ở tỉnh Vân Nam đã giảm mạnh 55% trong năm tháng đầu năm nay. Truyền thông quốc gia cho biết 3 triệu ha đất nông nghiệp đang chịu hạn hán.
Hệ thống lưới điện quá tải
Các đợt nắng nóng đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng điện ở các hộ gia đình, trung tâm thương mại và văn phòng, gây áp lực lên nguồn cung điện và thậm chí gây mất điện. Tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã lần đầu diễn tập khẩn cấp để đối phó với tình trạng mất điện quy mô lớn ở miền Đông đất nước.
Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa khi nhu cầu điện vượt quá nguồn cung, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện gia đình và phi công nghiệp. Khi sản lượng thủy điện giảm mạnh do hạn hán, vào tháng 2, tỉnh Vân Nam đã yêu cầu cắt giảm 14% sản lượng nhôm thu được từ quá trình điện phân sử dụng nhiều năng lượng. Hồi tháng 8 năm ngoái, tỉnh Tứ Xuyên, khu vực phụ thuộc lớn vào thủy điện, cũng buộc phải cắt điện trong 11 ngày đối với hầu hết người sử dụng công nghiệp.
Để hỗ trợ nhu cầu sử dụng điện trong thời gian cao điểm và giảm bớt phụ thuộc vào thủy điện, Trung Quốc đã đẩy nhanh phê duyệt các mỏ than và nhà máy nhiệt điện than mới. Tuy nhiên, điều này có thể khiến Bắc Kinh khó đạt được các mục tiêu giảm phát thải carbon.
Năm ngoái, Trung Quốc đã phê duyệt công suất khai thác than mới vào khoảng 260 triệu tấn, đồng thời mở lại nhiều mỏ than bị bỏ hoang. Chính quyền các địa phương cũng phê duyệt công suất điện than mới ít nhất 20,45 gigawatt trong quý 1/2023, nhiều hơn cả năm 2021.
Mưa lớn gây lũ lụt
Đầu năm nay, trận mưa tồi tệ nhất trong một thập kỷ đã trút xuống những cánh đồng lúa mì ở các tỉnh miền Trung ở Trung Quốc, ngay trước mùa thu hoạch. Các trận mưa khiến hạt nảy mầm sớm và 15%. Các nhà phân tích dự báo Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu 10 triệu tấn lúa mì trong năm nay, mức cao nhất từ trước đến nay.
Lũ lụt cũng đe dọa sản lượng trồng lúa. Tỉnh Hồ Nam, nơi chiếm khoảng 13% sản lượng gạo của Trung Quốc, đã hứng chịu những trận mưa liên tiếp kể từ cuối tháng 6. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cảnh báo lượng mưa lớn có thể cuốn trôi phấn hoa và phá hoại mùa màng.
Vào năm 2021, thành phố Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, đã hứng chịu trận mưa “nghìn năm có một” – với lượng mưa trong 3 ngày bằng lượng mưa cả năm. Mưa lũ đã nhấn chìm các khu dân cư, gây ngập úng các đường hầm tàu điện ngầm. Từ đầu năm đến nay, trận mưa lớn nhất đã được ghi nhận tại Bắc Hải, tây nam tỉnh Quảng Tây, đạt 614,7mm chỉ trong 24 giờ.
Hồi năm 1975, Trung Quốc từng ghi nhận lượng mưa lớn kỷ lục tại thành phố Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam, với 1.060,3 mm chỉ trong 24 giờ.
Giải pháp
Năm 2015, Trung Quốc đã khởi động dự án thí điểm “thành phố bọt biển” giúp giảm tình trạng ngập úng và ngăn lũ lụt. Các phát minh như nhựa đường và vỉa hè thấm nước cũng là một trong những giải pháp công nghệ tiềm năng của nước này. Tuy nhiên, trận lũ lụt ở Trịnh Châu đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả của các hệ thống này khi chúng bị đẩy quá giới hạn.
Vào tháng 5, giới chức đã công bố kế hoạch xây dựng mạng lưới quốc gia gồm các kênh đào, hồ chứa và cơ sở lưu trữ mới để tăng cường kiểm soát nguồn nước, giảm nguy cơ lũ lụt và hạn hán.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các giải pháp này sẽ rất tốn kém và gây ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, điều đó có thể gây gián đoạn nguồn cung cho các khu vực ở phía nam và sau đó, đòi hỏi xây dựng thêm nhiều cơ sở hạ tầng hơn.