Thoát vỡ nợ ngày 29/4, Nga có thể trả được khoản nợ lớn cuối tháng 5 không?

Nga có thể đã tránh được cú vỡ nợ lịch sử sau khi tuyên bố đã thực hiện một số khoản thanh toán quá hạn bằng USD cho trái phiếu nước ngoài. Giờ đây thị trường chuyển chú ý sang các khoản thanh toán sắp tới hạn của Nga và dự báo liệu Nga có ngăn chặn được vụ vỡ nợ vào cuối tháng 5 hay không.

Chú thích ảnh
Đồng tiền giấy và tiền xu ruble tại Moskva, Nga. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, 40 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Nga và nguy cơ vỡ nợ đã trở thành tâm điểm của thị trường tài chính toàn cầu kể từ khi nước này hứng chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh sau chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2.

Chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến Nga bị trừng phạt nặng nề, khiến khả năng trả nợ của Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nguy cơ vỡ nợ đã tăng lên đáng kể vào đầu tháng 4 khi Mỹ ngăn Chính phủ Nga sử dụng nguồn dự trữ bị đóng băng để trả khoảng 650 triệu USD cho các trái chủ của mình.

Tránh vỡ nợ lịch sử

Vào ngày 29/4, Bộ Tài chính Nga cho biết họ đã thanh toán 564,8 triệu USD tiền phiếu trả lãi và nghĩa vụ mua lại bằng USD cho một trái phiếu đáo hạn vào năm 2022, và một khoản thanh toán phiếu trả lãi 84,4 triệu USD cho một khoản thanh toán khác đến hạn vào năm 2042.

Thông báo này đã gây bất ngờ cho các thị trường vốn đang chuẩn bị cho sự cố Nga vỡ nợ vào cuối thời gian ân hạn vào ngày 29/4. Như vậy, Nga đã tránh được vụ vỡ nợ bên ngoài lớn nhất trong hơn một thế kỷ qua.

Cụ thể , Bộ tài chính Nga thông báo họ đã trả gần 564,8 triệu USD mà họ nợ các trái chủ. Hai chủ nợ nói với Reuters rằng họ vẫn chưa thấy tiền trong tài khoản của mình, nhưng một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ xác nhận rằng các khoản thanh toán đã được thực hiện và nguồn tiền dường như nằm ngoài giới hạn của các lệnh trừng phạt hiện hành.

Ủy ban Phán quyết Phái sinh Tín dụng, đại diện cho các ngân hàng lớn trên toàn cầu và các nhà quản lý tài sản, đã họp vào 29/4 và thừa nhận các báo cáo về các khoản thanh toán của Nga. Tuy nhiên, ủy ban này vẫn đưa ra kế hoạch cho một cuộc đấu giá hoán đổi nợ tín dụng vào tuần tới để chuẩn bị cho khả năng Nga không thể thanh toán nợ.

Phản ứng của thị trường

Theo các nhà giao dịch, giá trái phiếu Nga đã tăng cao hơn, trong một số trường hợp tăng 15 xu, gần gấp đôi giá. Trái phiếu của các công ty lớn vẫn chưa bị trừng phạt như Gazprom, Lukoil và công ty viễn thông VimpelCom cũng được tăng 2-5 xu.

Theo S&P Global Market Intelligence, bảo hiểm chống vỡ nợ của Nga đã giảm, khi các khoản hoán đổi nợ tín dụng trong 5 năm liên quan đến khoản nợ có chủ quyền của Nga đã giảm từ 76,4% xuống còn 64,333%.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Sau khi Nga đã thanh toán được các khoản nợ vào ngày 29/4, sự chú ý sẽ chuyển sang hai sự kiện vào cuối tháng 5.

Chú thích ảnh
Bảng điện tử thông báo tỷ giá đồng ruble với đồng đôla Mỹ và đồng euro tại thủ đô Moskva, Nga ngày 22/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Thứ nhất, các giao dịch giữa cá nhân Mỹ và bộ tài chính, ngân hàng trung ương hoặc quỹ tài sản quốc gia của Nga chỉ được phép diễn ra theo giấy phép tạm thời do Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Mỹ (OFAC) cấp. Giấy phép này sẽ hết hạn vào ngày 25/5. Bộ Tài chính Mỹ chưa bình luận về liệu thời hạn đó có được gia hạn hay không.

Thứ hai, Nga phải đối mặt với các khoản thanh toán phiếu trả lãi đến hạn vào ngày 27/5 đối với trái phiếu bằng USD phát hành năm 2016 và trái phiếu bằng đồng euro phát hành vào năm 2021.

Nga có thể thanh toán trái phiếu euro bằng đồng ruble trong trường hợp cuối cùng, nhưng trái phiếu USD không có điều khoản đó.

Các trái phiếu liên quan đến khoản thanh toán ngày 4/4 không có lựa chọn thanh toán bằng đồng ruble. Đây là điều quan trọng trong việc xác định rằng đã xảy ra khả năng không thanh toán được khi Nga cố gắng thanh toán bằng đồng ruble.

Nga nợ bao nhiêu tiền và Nga có tiền không?

Sau khi xong nghĩa vụ với các khoản thanh toán tuần trước, nghĩa vụ thanh toán trái phiếu quốc tế của Nga đến cuối năm là khoảng 2 tỷ USD.

Trước cuộc khủng hoảng Ukraine, khoảng 20 tỷ USD, tức một nửa số ngoại tệ chưa phát hành, được các quỹ đầu tư và các nhà quản lý tiền tệ bên ngoài Nga nắm giữ.

Mối đe dọa vỡ nợ của Nga không bình thường ở chỗ Nga có tiền để trả các nghĩa vụ nợ, nhưng thực tế là một số nguồn tiền bị đóng băng hoặc bị trừng phạt khiến Nga không muốn thanh toán từ các nguồn tiền khác, chứ không phải là không có khả năng thanh toán.

Chỉ một nửa trong số hơn 600 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng do các lệnh trừng phạt.

Ngay cả khi châu Âu đã cam kết đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của mình, thì năm nay, trung bình Nga đã thu được gần 1 tỷ USD doanh thu mỗi ngày từ việc bán dầu, than và khí đốt.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Ngân hàng trung ương Nga tuyên bố Moskva không thể vỡ nợ
Ngân hàng trung ương Nga tuyên bố Moskva không thể vỡ nợ

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết Moskva đảm bảo đủ mọi nguồn lực tài chính cần thiết để duy trì hoạt động của nền kinh tế dưới áp lực trừng phạt của phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN