Theo đài RT (Nga), tuyên bố trên được bà Nabiullina đưa ra trong cuộc họp tại Duma Quốc gia (Quốc hội Nga) hôm 21/4. Bà nhấn mạnh: “Nga có đầy đủ nguồn lực và đảm bảo các nguồn tài chính cần thiết. Chúng tôi không hề đứng trước mối đe doạ vỡ nợ nào”.
Kể từ cuối tháng 2, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Trong đó, lĩnh vực tài chính của nước này đã bị nhắm mục tiêu, bao gồm yêu cầu đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại tệ của Nga.
Đầu tháng này, Bộ Tài chính Mỹ đã ngăn Chính phủ Nga thanh toán khoản nợ quốc gia trị giá hơn 600 triệu USD thông qua các ngân hàng của Washington. Động thái này nhằm buộc Moskva phải dùng khoản tiền USD mà họ có quyền sử dụng để thanh toán nợ thay vì mục đích khác. Nếu không, Nga có nguy cơ đối mặt với một vụ vỡ nợ lịch sử.
Trước vấn đề này, Bộ Tài chính Nga hôm 6/4 thông báo rằng nước này đã lần đầu tiên thanh toán nợ nước ngoài bằng đồng rúp. Cơ quan xếp hạng Moody’s cho biết động thái này làm “thay đổi điều khoản thanh toán” và có thể được coi là một vụ vỡ nợ nếu tình hình không thay đổi trước ngày 4/5 (hết thời gian gia hạn).
Theo loạt biện pháp trừng phạt kinh tế từ phương Tây, nhiều ngân hàng Nga đã bị loại khỏi Hệ thống thanh toán toàn cầu - SWIFT. Mỹ cũng cấm nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga. Các chuyên gia nhận định những biện pháp trừng phạt đã khiến Nga đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát tăng, thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu và đồng tiền quốc gia không còn hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới.
Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc vỡ nợ và khẳng định đất nước có đủ ngân sách và sẵn sàng trả nợ. Moskva cũng tuyên bố sẽ nộp đơn kiện lên tòa án, nếu phương Tây dồn ép họ vào cảnh vỡ nợ với lý do không đáp ứng nghĩa vụ thanh toán đối với trái phiếu châu Âu (Eurobond).
Vỡ nợ được coi là “khoảng tối” của các nền kinh tế trên toàn cầu. Vỡ nợ xảy ra khi người đi vay không thể trả lãi hoặc gốc cho khoản nợ của mình khi đến hạn thanh toán. Các chính phủ vay tiền bằng cách phát hành trái phiếu. Các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, mua những trái phiếu đó và nhận được cam kết sẽ được trả tiền lãi.
Việc không thanh toán dẫn đến vỡ nợ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, đó là lý do tại sao chính phủ các nước thường làm mọi cách để tránh kịch bản này. Nga đã không bị vỡ nợ kể từ năm 1917.