Cam kết của Trung Quốc về mua thêm 200 tỉ USD hàng hóa từ Mỹ tính đến thời điểm cuối năm 2021 đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cú sốc từ cả phía cung lẫn cầu mà COVID-19 gây ra.
Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), xuất khẩu các mặt hàng chế tạo, nông sản, năng lượng và dịch vụ của Mỹ sang Trung Quốc trong năm nay chỉ đạt 57 tỉ USD, kém xa mục tiêu được đề ra trong Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được hai bên ký kết hồi tháng 1/2020.
Cuộc chiến ngôn từ giữa Washington và Bắc Kinh làm gia tăng căng thẳng quan hệ song phương vốn ở vào thời điểm tồi tệ nhất. Ngày 11/5, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro tuyên bố Trung Quốc cần phải trả giá vì đã phát tán virus SARS-CoV-2. Ông cũng không loại trừ khả năng sẽ tư vấn Tổng thống Trump áp thuế trừng phạt mới nhằm vào Trung Quốc, hoặc rút khỏi thỏa thuận đã ký.
Tuần trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có cuộc điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Hai bên đồng ý thúc đẩy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 bất chấp tình cảnh khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay. Giới chuyên gia nhìn nhận, leo thang chiến tranh thương mại giữa đại dịch sẽ là ý tưởng tồi tệ.
Theo Peter Petri, Giáo sư chuyên ngành tài chính quốc tế tại Đại học Kinh doanh quốc tế Brandeis, Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau. Động lực để cải thiện quan hệ thương mại hiện mạnh hơn bao giờ hết. Cả hai nước đều cần hướng lái nền kinh tế thoát khỏi xu hướng tăng trưởng giảm sâu.
Theo CSIS, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc dự kiến tăng 37% trong quý 1 so với cùng kỳ năm, nhưng thực chất lại giảm 10%. Jacob Kirkegaard, chuyên gia cao cấp tại Viên Kinh tế Quốc tế Peterson bình luận những số liệu xuất khẩu mà Mỹ ký kết vài tháng trước đây đã lệch pha với thực tại kinh tế ở Trung Quốc. Mỹ không có nhiều ưu thế để ép Trung Quốc thực thi cam kết, bởi chính các doanh nghiệp Mỹ cũng không có khả năng thỏa mãn điều kiện bán hàng.
Báo cáo của CSIS cho thấy xuất khẩu các mặt hàng chế tạo của Mỹ giảm mạnh, với mức 47% đối với mặt hàng xe ô tô – hệ quả của việc các hãng ô tô Mỹ đóng cửa kết hợp với cầu tiêu dùng yếu tại Trung Quốc. Nhu cầu nhập khẩu máy bay – một mặt hàng chủ chốt khác của Mỹ, cũng biến mất. Đây là một trong nhiều lĩnh vực mà Trung Quốc có thể nói rằng đó là tình cảnh chung, không thể khác được.
Xuất khẩu dịch vụ, trong đó có mảng doanh nhân và khách du lịch Trung Quốc tới Mỹ, sinh viên Trung Quốc theo học tại Mỹ, đã bị dừng lại hồi đầu năm. Kinh tế suy yếu, Trung Quốc cũng không có nhu cầu đối với các dịch vụ chuyên nghiệp như dịch vụ tài chính.
CSIS đánh giá xuất khẩu năng lượng là điểm “gây thất vọng lớn nhất”. Được ước đoán tăng 160%, nhưng xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc giảm 33% trong quý 1. Khoảng cách quá lớn giữa kỳ vọng và mua hàng thực chất ngoài yếu tố chủ quan, còn chịu tác động khách quan từ giá dầu, giá năng lượng trên thị trường thế giới giảm mạnh. Một số chuyên gia cho rằng, sự thiếu hụt này có thể được giải quyết, nếu các nhà đàm phán trước đó đã quy định cụ thể lượng thay vì giá trị dầu thô Trung Quốc nhập từ Mỹ.
Trong nông nghiệp, đại dịch đã gây ra một kiểu biến dạng khác trong cung và cầu. Việc các nhà máy giết mổ tại Mỹ đóng cửa khiến Trung Quốc không có cơ hội thực hiện cam kết mua hàng nông nghiệp, đồng thời tạo ra khan hiếm về nguồn cung, biến động về giá trong các cửa hàng tại Mỹ.
Dịch vụ chế biến, giết mổ tại Mỹ đã mất đi 40% công suất trong hai tháng qua.
Theo Harry Broadman, Giám đốc điều hành tại tập đoàn Berkeley Research, những thay đổi trong chuỗi cung thực phẩm là ví dụ điển hình phản ánh thực trạng đang diễn ra trong hoạt động xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc. Những tồn tại trong thực hiện thỏa thuận giai đoạn 1 là do tác động của COVID-19.
Giới chuyên gia thương mại cảnh báo, chỉ trích từ Washington nhằm vào Trung Quốc nhằm bỏ thỏa thuận thương mại sẽ gây ra hệ quả nghiêm trọng đối với nông dân và các nhà chế tạo tại Mỹ, với nhiều trong số này đang phải vật lộn đối phó với chi phí gia tăng xuất phát từ thay đổi trong chuỗi cung mà đại dịch COVID-19 gây ra.