Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier khẳng định: “Thỏa thuận toàn diện không hàng rào thuế quan và hạn ngạch giữa EU và Anh là tín hiệu tích cực đối với kinh tế Đức, EU cũng như Anh”. Ông Almaier cho rằng ảnh hưởng tức thì của Brexit với quan hệ thương mại tương lai với Anh dường như ít hơn mức từng quan ngại”.
Về mặt lí thuyết, Anh vẫn duy trì trong khối thị trường chung châu Âu là tốt nhất, tuy nhiên ông Altmaier cũng nhấn mạnh “các doanh nghiệp Đức đều đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc Anh rút khỏi thị trường chung EU”.
Nghiên cứu do Viện Ifo phối hợp vơi Viện Kiel nghiên cứu về Kinh tế thế giới thuộc WMWi cho biết thương mại song phương giữa Đức và Anh đã giảm từ trước khi Anh rút khỏi EU, nhưng kể từ khi Anh tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về Brexit hồi năm 2016, thương mại giữa hai bên liên tục sụt giảm. Các nhà sản xuất ô tô và công nghiệp hóa chất của Đức cũng chịu ảnh hưởng một phần từ sự sụt giảm xuất khẩu sang Anh. Tuy nhiên, thị phần suy giảm trong thương mại với Anh có thể được bù đắp bằng tăng trưởng thương mại giữa Đức với các nước EU cũng như quốc gia khác. Trung Quốc và Mỹ có thể trở thành “các thị trường xuất khẩu ngày càng quan trọng với Đức” giai đoạn hậu Brexit.
EU và Anh đã đồng ý Hiệp định thương mại toàn diện sau nhiều tháng đàm phán, ngay trước khi kết thúc tiến trình chuyển giao Brexit. Nghiên cứu cũng chỉ ra, với việc hiệp định này đã có hiệu lực tạm thời từ ngày 1/1, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Đức sẽ giảm 0,14%, tương đường 4,9 tỉ euro (6,01 tỉ USD) còn phía Anh có thể sụt giảm lên tới 0,96% GDP.