Trong lúc phải đối phó với nguy cơ đảo chính, chính phủ Venezuela cũng đang đối mặt mối đe dọa với kho dự trữ vàng của mình. Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, Ngân hàng trung ương Anh đã từ chối yêu cầu của Tổng thống Nicolás Maduro hồi hương lượng vàng trị giá 1,2 tỉ USD mà Venezuela gửi tại đây.
Hãng tin Sputnik (Nga) cho biết, theo một trong các nguồn tin, quyết định của Ngân hàng trung ương Anh chịu ảnh hưởng của một số quan chức cao cấp Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton.
Trong khi đó, mùa thu năm 2018, chính quyền Venezuela đã quyết định gửi hàng chục tấn vàng tới Thổ Nhĩ Kỳ để tinh luyện.
Ông Yunus Soner, Phó Chủ tịch Ban Quan hệ quốc tế của Đảng VATAN Thổ Nhĩ Kỳ, đã chia sẻ với Sputnik quan điểm của mình về tình hình Venezuela cũng như đánh giá của ông về việc luyện vàng của Venezuela tại các quốc gia thân thiện.
Ông Soner cho rằng, các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Venezuela về kinh tế thông qua các đòn trừng phạt hoặc đảo chính sẽ thất bại. “Âm mưu đảo chính sẽ không thành công bởi những người đại diện cho phe đối lập mà Mỹ công nhận là “quyền lực mới”, không ở vị thế tương xứng để thành lập một chính phủ, chuyên gia Soner giải thích. Theo ông, việc Ngân hàng Anh từ chối trả lại vàng cho Venezuela là cảnh báo đỏ đối với các quốc gia khác.
Nói về quyết định của Ngân hàng Anh từ chối trả lại vàng cho chính phủ Tổng thống Maduro, cũng như việc Venezuela quyết định tiến hành tinh luyện một phần kho dự trữ vàng của mình tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Soner cho rằng, nếu một chính phủ do Mỹ hậu thuẫn giành quyền lực tại Venezuela, nước này sẽ quay trở lại thời kỳ tiền-Chavez, khi người dân sợ hãi ra ngoài nhà và khốn khổ vì áp lực khó khăn kinh tế". Chính trị gia này tin rằng ngày nay, chỉ chính phủ của Tổng thống Maduro mới có thể điều hành đất nước.
"Về việc tinh luyện vàng, để đảm bảo ổn định xã hội, an ninh kinh tế và phát triển, chính quyền Venezuela phải tinh luyện kho vàng dự trữ của mình tại các quốc gia bạn bè như Thổ Nhĩ Kỳ và Nga", ông Soner phát biểu với Sputnik.
Chính trường Venezuela đã trở nên căng thẳng sau khi Chủ tịch Quốc hội - lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido tự phong là “tổng thống lâm thời” của quốc gia Nam Mỹ này cho tới khi lập ra một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử.
Ngay lập tức, một loạt các nước khu vực như Mỹ, Canada, Colombia, Paraguay, Brazil, Chile, Argentina, Ecuador, Guatemala và Peru, cũng như Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã lên tiếng công nhận vai trò “Tổng thống lâm thời” tự phong của ông Guaido, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ về kinh tế và chính trị đối với phe đối lập nhằm thúc đẩy cái gọi là “sự trở lại của nền dân chủ” đối với Venezuela. Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng ủng hộ nhà lãnh đạo tự phong này trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “mọi lựa chọn sẽ được cân nhắc” nếu Tổng thống Nicolas Maduro sử dụng vũ lực đối với phe đối lập.
Trong khi đó, nhiều nước khác như Cuba, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, đồng thời lên án âm mưu đảo chính.
Ngày 30/1, Tổng thống Maduro cáo buộc các quân nhân đào ngũ của nước này đã trở thành "những kẻ tay sai" và từ nơi ẩn náu ở Colombia đã lên kế hoạch nhằm chia rẽ lực lượng vũ trang và âm mưu tiến hành đảo chính chống lại chính quyền Caracas. Ông Maduro tuyên bố sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán với phe đối lập được Mỹ hậu thuẫn, khẳng định ủng hộ một cuộc bầu cử quốc hội sớm, nhưng phản đối tổ chức bầu cử tổng thống.