Đầu tiên là cuộc xung đột quân sự ở Ukraine. Tiếp theo là cuộc chiến thông tin đang diễn ra với các hãng truyền thông phương Tây như CNN và các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter. Cuối cùng, và quan trọng nhất, đó là cuộc chiến kinh tế.
Theo ông Mok, lý do duy nhất có thể khiến cuộc xung đột quân sự ở Ukraine kéo dài là vì bị Washington kích động và chi phối. Nếu không có sự hỗ trợ vũ khí và nhiều nguồn lực khác, chẳng hạn như tên lửa Stingers, Javelin, máy bay không người lái Switchblade và quá trình huấn luyện quân sự bí mật kéo dài nhiều năm và khả năng hỗ trợ tình báo do Mỹ cùng các đồng minh phương Tây cung cấp, thì cuộc xung đột quân sự ở Ukraine khó xảy ra.
Kết quả là, cuộc xung đột đã gây ra cảnh tàn phá trên diện rộng, thiệt hại về nhân mạng và tạo ra cuộc khủng hoảng người tị nạn với nguyên nhân trực tiếp do sự can thiệp của Mỹ. Nhưng nhìn từ góc độ địa chính trị, cuộc chiến quân sự là ít quan trọng nhất.
Đồng thời với xung đột quân sự là cuộc chiến tuyên truyền. Được định hướng bởi các hãng truyền thông phương Tây, Nga bị tấn công từ hai góc độ. Đầu tiên là tuyên truyền rằng hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine là một cuộc tấn công vô cớ đang thất bại. Góc độ thứ hai nhằm thể hiện rằng Mỹ và các nước phương Tây đang đoàn kết để đối phó Nga, và thế giới đang đứng về phía những người bảo vệ tự do này.
Tuy nhiên, đó không phải là sự thật. Về tuyến tấn công đầu tiên, các chuyên gia đều đã cảnh báo không nên vượt qua ranh giới đỏ của Nga ở Ukraine, nhưng những cảnh báo này đã bị bỏ qua một cách vô tình hoặc cố ý.
Về khía cạnh thứ hai, các phương tiện truyền thông phương Tây đã phớt lờ hoặc hạ thấp số lượng các quốc gia không ủng hộ các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đối với Nga. Các quốc gia này không chỉ có Trung Quốc mà còn cả Ấn Độ, Iran và một số quốc gia có tầm quan trọng về địa chính trị khác. Thật vậy, từ các quốc gia trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đến Nam Á, châu Phi và thậm chí cả Mỹ Latinh, Nga có nhiều đối tác hơn những điều mà truyền thông phương Tây đăng tải.
Cuộc chiến thứ ba, cuộc chiến kinh tế, có vai trò quan trọng nhất. Các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với Moskva là chưa từng có và nhằm mục đích đánh sập nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, chúng không hiệu quả như dự định của phương Tây, thậm chí còn có tác dụng ngược, có thể đẩy nhanh việc phá hủy vị thế thống trị của Mỹ trong trật tự toàn cầu.
Cụ thể, việc đóng băng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga đã cho thế giới thấy rằng Mỹ là một nhân tố chính trị không đáng tin cậy, có thể thay đổi chính sách "180 độ" do chu kỳ bầu cử tổng thống kéo dài 4 năm. Yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp cho năng lượng xuất khẩu của Nga có thể chỉ là bước khởi đầu của việc làm suy giảm vị thế của đồng USD. Việc mất quyền bá chủ của đồng USD sẽ là thảm họa đối với Mỹ.
Châu Âu đã nhập khẩu nhiều khí đốt tự nhiên từ Nga vào năm 2021. Việc gián đoạn nguồn cung này và thậm chí giá cả tăng vọt sẽ là thảm họa đối với châu Âu, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa và mùa Đông quay trở lại. Đây có thể là nguyên nhân quan trọng phá vỡ đoàn kết của liên minh do Mỹ đứng đầu chống Nga.
Tóm lại, ông Mok cho rằng vẫn chưa rõ Nga có thua trong ba cuộc chiến này hay không, nhưng cuộc xung đột Ukraine có thể gây thiệt hại nhiều hơn cho Mỹ về lâu dài.