Trong phiên giao dịch ngày 24/6, giá dầu châu Á có thời điểm sụt giảm hơn 6%. Chỉ số chứng khoán châu Âu STXEc1 giảm hơn 10%. Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) giảm gần 5%, trong khi chỉ số SSEC của Thượng Hải giảm 1,1%. Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản cũng sụt giảm mạnh tới 7,92% còn 1,286.33 yen đổi 1 USD. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2011 khi Nhật Bản hứng chịu thảm họa kép động đất sóng thần.
Tại sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, Nhật Bản ngày 24/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
“Rõ ràng, Brexit ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu. Không chỉ Anh suy thoái, mà EU cũng lao đao”, Giám đốc bộ phận đầu tư chiến lược công ty Perpetual (có trụ sở tại Sydney) Matthew Sherwood, cảnh báo về triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, thị trường tiền tệ rơi vào trạng thái “rơi tự do”. Đáng chú ý nhất, đồng bảng Anh được đánh giá là lao dốc “tồi tệ nhất kể từ năm 1985”. Đồng tiền này có lúc đã chạm mốc 1,3319 USD đổi 1 bảng Anh. Theo số liệu của Bloomberg, một bảng Anh hiện chỉ đổi được 1,3690 USD. Đồng euro rớt giá 3,11% còn 1,1036 đổi 1 USD. Đồng USD giảm 4% thấp nhất kể từ năm 1998.
Bộ Tài chính Anh ước tính rằng việc Anh rời khỏi EU sẽ làm giảm giá trị đồng bảng ít nhất 12%. Mặc dù đang giảm giá nhanh, các chuyên gia cho rằng khó có khả năng đồng bảng Anh rơi vào tình trạng bị phá giá.
Mối lo Brexit thành hiện thực đã dẫn tới việc các nhà đầu tư đổ xô mua vào tài sản an toàn như vàng, đồng yen Nhật và trái phiếu chính phủ Mỹ. Trong phiên giao dịch ngày 24/6, trên thị trường châu Á, giá vàng giao ngay tăng 5,1% lên 1.319,60 USD/ounce, sau khi có lúc vọt lên 1.358,20 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 3/2014.