Trong ngày 6/12, lực lượng cứu hộ tiếp tục đào bới tìm kiếm người sống sót dưới lớp tro bụi, bất chấp núi lửa vẫn đang tiếp tục phun trào. Người phát ngôn của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia, ông Abdul Muhari cho biết thảm họa này đã khiến gần 3.700 người phải sơ tán, gây hư hại cho gần 3.000 nhà dân và 38 trường học. Trong khi đó, tro bụi phun từ miệng núi lửa đã bao trùm khoảng không phía trên toàn bộ làng xã thuộc huyện Lumajang của tỉnh Đông Java, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Người dân được khuyến cáo không đến gần khu vực núi lửa trong phạm vi bán kính 5km. Cây cầu nối huyện Lumajang và huyện Malang cũng bị phá hủy, khiến giao thông trên trục đường chính bị đứt gãy và ảnh hưởng đến hoạt động cứu hộ, cứu nạn.
Cơ quan xử lý thảm họa quốc gia Indonesia (BNPB) cho biết công tác cứu hộ trong ngày 6/12 đã 2 lần phải tạm dừng do các dòng chảy pyroclastic - dòng chảy nhanh của khí nóng và vật chất núi lửa. Trong khi đó, trời tối và mưa cũng đã gây thêm nhiều khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ.
Núi lửa Semeru, cao hơn 3.600m, là một trong gần 130 ngọn núi lửa đang hoạt động ở Indonesia. Núi lửa này đã từng phun trào vào tháng 1 năm nay, không gây thương vong song cũng đã khiến hàng nghìn người phải sơ tán.
Indonesia nằm trong "Vành đai lửa Thái Bình Dương" nên thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa phun trào. Cuối năm 2018, một ngọn núi lửa ở eo biển giữa đảo Java và đảo Sumatra phun trào, gây lở đất ngầm dưới đáy biển và sóng thần khiến hơn 400 người thiệt mạng.