Thêm một nước cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech

Ngày 10/12, Saudi Arabia đã cấp phép sử dụng với vaccine phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech, trở thành quốc gia thứ 2 tại vùng Vịnh sau Bahrain "bật đèn xanh" cho sản phẩm này.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNtech. Ảnh: AFP/TTXVN

SPA, hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia, dẫn một thông báo nêu rõ Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Saudi (SFDA) đã cấp phép đăng ký cho vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech tại Saudi Arabia. Do đó, giới chức y tế tại vương quốc Hồi giáo này có thể nhập khẩu và sử dụng vaccine. SFDA không nêu rõ khi nào sẽ triển khai tiêm chủng vaccine của Pfizer/BioNTech.

Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định sẽ phân tích các mẫu vaccine trong số những lô vaccine được chuyển tới nước này trước khi đưa vào lưu hành để đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng. Saudi Arabia ghi nhận tổng cộng gần 360.000 ca mắc COVID-19 trong đó có hơn 6.000 ca tử vong, cao nhất tại vùng Vịnh.

Hồi tuần trước, Bahrain cũng tuyên bố cấp phép đưa vaccine của Pfizer/BioNTech vào sử dụng khẩn cấp. Ngoài ra, vaccine này cũng đã được cấp phép tại Anh và Canada. Giới chức quản lý y tế của Mỹ trong ngày 10/12 cũng họp để đánh giá khả năng cấp phép khẩn cấp cho vaccine của Pfizer/BioNTech. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ cho biết sẽ có thể đưa ra cảnh báo dị ứng kèm theo nếu cấp phép cho vaccine của Pfizer/BioNTech.  

Kết quả thử nghiệm lâm sàng đầy đủ của vaccine của Pfizer/BioNTech đã được đăng tải trên Tạp chí Dược New England ngày 10/12. Đây được coi là dấu mốc quan trọng đánh dấu kết quả thử nghiệm vaccine của Pfizer/BioNTech được một tạp chí khoa học thẩm định.

Cụ thể, bài bình luận về các kết quả thử đăng trên tạp chí khoa học trên có đoạn nhận xét các kết quả thử nghiệm đủ tin cậy để đưa vào các phân tích, khẳng định đây là một thắng lợi. Thử nghiệm bao gồm gần 44.000 tình nguyện viên, trong đó khoảng 50% được tiêm vaccine và 50% còn lại được cho dùng giả dược. Nghiên cứu đăng trên tạp chí xác nhận một chu trình chủng ngừa gồm 2 liều BNT162b2 (tên của vaccine Pfizer/BioNTech) cho hiệu quả ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 là 95%.

Bên cạnh đó, vaccine cho hiệu quả ngăn ngừa bệnh đồng đều giữa "các lứa tuổi, giới tính, chủng tộc, sắc tộc, chỉ số cơ thể và sự hiện diện của các điều kiện chung sống". Trong số 10 ca bệnh COVID-19 nghiêm trọng được phát hiện sau khi tiêm mũi 1, có 9 ca trong nhóm dùng giả dược và chỉ có 1 ca là người được tiêm vaccine. Bài bình luận kèm theo cho rằng tỷ lệ trên là quá nhỏ để có thể rút ra kết luận về nguy cơ các ca bệnh nặng có thể xảy ra với những người được tiêm vaccine.

Dù vậy, vẫn còn những câu hỏi khác chưa được giải đáp như liệu việc tiêm vaccine quy mô lớn với hàng triệu hoặc hàng tỷ người có thể gây ra những vấn đề an toàn không mong muốn nào khác hay không hay liệu vaccine có gây tác dụng phụ trong lâu dài hay không. Ngoài ra, hiện các bên vẫn chưa thể chắc chắn bao lâu thì vaccine hết tác dụng, vaccine có ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm hay không, tác dụng ở nhóm trẻ nhỏ, phụ nữ có thai hay các bệnh nhân mất khả năng miễn dịch sẽ ra sao...

Lê Ánh (TTXVN)
WHO hy vọng Campuchia sẽ nhận được vaccine cho khoảng 20% dân số vào năm 2021
WHO hy vọng Campuchia sẽ nhận được vaccine cho khoảng 20% dân số vào năm 2021

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia, bà Li Ailan, khẳng định WHO và các đối tác đang nỗ lực hết sức để có thể mang đến nguồn vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 an toàn, hiệu quả với giá hợp lý cho những người có nguy cơ cao và những người được ưu tiên tiêm phòng tại tất cả các quốc gia một cách nhanh nhất có thể, thông qua sáng kiến vaccine toàn cầu mang tên COVAX.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN