Thế giới tuần qua: Thương chiến Mỹ-Trung vào vòng xoáy mới; Mỹ tăng cường quân lực tại Trung Đông

Các công ty công nghệ trở thành mục tiêu mới trong thương chiến Mỹ-Trung và việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng quân tới Trung Đông là những vấn đề được thế giới quan tâm tuần qua.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc gặp nạn

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc trong thời gian gần đây trở nên gây cấn hơn khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ganh đua để kiểm soát công nghệ viễn thông tương lai – mạng không dây 5G. Và công ty Trung Quốc Huawei đã rơi vào giữa chiến tuyến cam go này.

Ngày 15/5 chính quyền Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp cấm hàng chục công ty hợp tác với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei. Lý do Mỹ đưa ra là do lo ngại về an ninh quốc gia. Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc, trở thành nạn nhân mới trong cuộc đối đầu thương mại giữa hai quốc gia. Cuộc thương chiến rơi vào vòng xoáy mới, không chỉ dừng lại ở các đòn "ăn miếng trả miếng" về thuế quan.

Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đánh giá động thái này có thể kìm chân khả năng phát triển các sản phẩm viễn thông thế hệ mới của Huawei cùng các tập đoàn trong nước bắt tay kinh doanh với công ty Trung Quốc này.

Đến tuần này, Mỹ lại cân nhắc áp dụng lệnh cấm tương tự với công ty chuyên về máy quay giám sát của Trung Quốc là Hikvision.

Nhà kinh tế học Aidan Yao tại công ty quản lý đầu tư AXA (Anh) nhận định: “Lệnh trừng phạt mới đối với các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế nước này nhiều hơn so với giảm thặng dư thương mại từ mức thuế Mỹ áp dụng”.

Standard & Poor's (Mỹ) đánh giá mặc dù việc trừng phạt bằng thuế chiếm trọn nội dung đăng tải trên truyền thông, song cú đòn giáng vào mặt trận công nghệ mới thực sự khiến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nếu như chiến tranh thương mại không được giải quyết trong ngắn hạn.

Việc Mỹ hạn chế đầu tư, kiểm soát xuất khẩu và tăng thuế có thể tác động đến chuỗi cung ứng công nghệ Trung Quốc. Điều này còn gây hậu quả khiến các công ty Trung Quốc mất dần tính cạnh tranh theo thời gian. Đứng tiên phong trong “mặt trận 5G”, cả hai công ty Trung Quốc là Huawei và ZTE đều trở thành tầm nhắm của các quan chức Mỹ.

Chú thích ảnh
Biểu tượng của Huawei tại một trung tâm mua sắm ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Chính ZTE đã gần như sụp đổ trong năm 2018 sau khi bị cấm mua linh kiện Mỹ. Lệnh cấm chỉ được dỡ bỏ sau khi ZTE chi 1 tỷ USD tiền phạt vì vi phạm lệnh trừng phạt Mỹ áp dụng đối với Iran và Triều Tiên.

Nhà kinh tế học Carl Tannenbaum tại công ty dịch vụ tài chính Northern Trust (Mỹ) nêu rõ: “5G là công nghệ thật sự thú vị. Có được miếng bánh trong 5G sẽ tạo ra khác biệt về kinh tế do vậy hình thành cuộc đua ai sẽ là người chiếm lĩnh sớm nhất”.

Nhiều công ty công nghệ, trong đó có ông lớn Google, doanh nghiệp thiết kế chip ARM,… đã tuyên bố ngưng cung cấp sản phẩm cho Huawei.

Bà Linda Sui tại công ty Strategy Analytics đánh giá: “Huawei có thể bị quét khỏi thị trường điện thoại thông minh ở Tây Âu trong năm tới nếu không thể hợp tác với Google”.

Cựu chiến lược gia Nhà Trắng Steve Bannon trong tuần này phân tích rằng việc ngăn không để Huawei tiếp cận Mỹ và châu Âu còn “quan trọng gấp 10 lần” so với một thỏa thuận thương mại cùng Trung Quốc.

Mỹ lại khiến Iran nổi cáu

Chú thích ảnh
Lực lượng quân đội Mỹ tham chiến tại Trung Đông. Ảnh: CNN

Ngày 24/5, Mỹ tuyên bố cử 1.500 binh sĩ tới Trung Đông, gọi đây là nỗ lực nhằm tăng cường phòng thủ trước Iran.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đồng thời lấy cớ đe dọa từ Iran để tuyên bố khẩn cấp quốc gia và “mở đường” bán số vũ khí trị giá hàng tỷ USD tới Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất mà không cần phải có sự chấp thuận của quốc hội.

Đây là động thái mới nhất từ chính quyền Tổng thống Trump liên quan đến Iran. Trước đó, Mỹ đã cử nhóm tác chiến tàu sân bay cùng máy bay ném bom và tên lửa Patriot đến Trung Đông. Iran đã chỉ trích động thái này làm leo thang căng thẳng. Cũng trong thời điểm đó, liên lạc trực tiếp giữa Mỹ và Iran đã đóng băng, gây quan ngại về việc nảy châm ngòi một cuộc xung đột.

Về phía mình, Tổng thống Trump gọi việc cử binh sĩ cùng vũ khí tới Trung Đông đơn thuần là do phòng vệ. Nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu: “Chúng tôi muốn có sự phòng vệ tại Trung Đông. Chúng tôi chỉ cử một số lượng nhỏ binh sĩ, hầu hết là về phòng vệ”.

Trên thực tế con số này cũng khá nhỏ so với 70.000 binh sĩ Mỹ đóng quân ở khắp khu vực, trải dài từ Ai Cập tới Afghanistan. Tuần trước, truyền thông Mỹ đưa tin Lầu Năm Góc đã đệ trình nhóm cố vấn an ninh Nhà Trắng một kế hoạch tăng cường tới 120.000 quân tới Trung Đông nếu tình hình tiếp tục căng thẳng. Tuy nhiên, sau đó Tổng thống Trump đã phủ nhận thông tin này.

Căng thẳng bất ngờ leo thang nguy hiểm giữa Mỹ và Iran trong thời gian gần đây sau khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump liệt lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố, tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran theo sau việc Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015.

Nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục ký sắc lệnh chấm dứt qui chế miễn trừ cho 8 nước nhập khẩu dầu mỏ của Iran, động thái được cho là nhằm bóp nghẹt ngành xuất khẩu dầu mỏ có ý nghĩa sống còn với nước Cộng hòa Hồi giáo.

Đáp lại, Iran đã rút một phần khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện, thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Tehran đạt được với các cường quốc quốc tế năm 2015. Nước Cộng hòa Hồi giáo này đồng thời tuyên bố có thể nối lại hoạt động làm giàu urani.

Hà Linh/Báo Tin tức
Căng thẳng trên 'mặt trận ngôn từ' giữa Thủ tướng May và EU trong nhiều năm
Căng thẳng trên 'mặt trận ngôn từ' giữa Thủ tướng May và EU trong nhiều năm

Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ rời chức vụ giữa thời điểm tiến trình Brexit còn nhiều bế tắc và sau nhiều năm trời bà đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) nhưng chỉ toàn vấp phải bất đồng, hiểu nhầm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN