Thế giới tuần qua: Những vấn đề cũ vẫn 'nóng'

Tuần qua, hai nước lớn là Nga và Mỹ tuyên bố không công nhận Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cùng với việc Israel thừa nhận bất ổn gia tăng sau quyết định về Jerusalem của Mỹ là hai vấn đề thế giới dù cũ nhưng vẫn 'nóng'.

Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này và Nga sẽ thúc đẩy để nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ vũ khí vì họ không công nhận Bình Nhưỡng là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. 

Ngoại trưởng Nga Sergey Larvov và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: TASS

Ngày 26/12, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã điện đàm trao đổi về vấn đề Triều Tiên, sau khi Washington và Liên hợp quốc đồng loạt thông báo về các biện pháp trừng phạt mới chống lại Bình Nhưỡng. 

Theo đó, hai quan chức ngoại giao khẳng định cam kết của Nga và Mỹ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khoảng hoảng xung quanh chương trình hạt nhân và tên của Triều Tiên. Tuy nhiên, Moskva và Washington không chấp nhận việc chính phủ Triều Tiên vẫn sở hữu vũ khí hạt nhân, những thứ có tầm bắn đến Mỹ và châu Âu. 

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Heather Nauert cho biết ông Tillerson và ông Lavrov nhất trí tiếp tục hợp tác để phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và buộc ông Kim Jong-un phải từ bỏ phát triển tên lửa hạt nhân. 

“Hai bên đã trao đổi những lo ngại liên quan tới chương trình hạt nhân gây bất ổn của Triều Tiên và nhấn mạnh cả Mỹ và Nga đều không chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân”, bà Nauert tái khẳng định. 

Phía Moskva cho biết thêm, ông Lavrov đã trao đổi với ông Tillerson rằng chính sách “lửa cháy và thịnh nộ” của Mỹ đối với Triều Tiên đã làm tình hình xấu thêm. 

Đáp lại, ngày 30/12, Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục chính sách phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa trong năm 2018, đồng thời khẳng định nước này là một "quốc gia hạt nhân có trách nhiệm". KCNA khẳng định các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế chống Bình Nhưỡng về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao và trên các lĩnh vực khác cho đến tận cuối năm nay "không thể ngăn chặn bước tiến của Triều Tiên". 

Vấn đề chủ quyền Jerusalem

Xung đột giữa binh sĩ Israel và người biểu tình Palestine tại thành cổ Jerusalem ngày 15/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan an ninh nội địa Shin Bet của Israel cho biết sau khi Mỹ công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô của Israel, khu vực Bờ Tây và Dải Gaza đã trở nên “rất bất ổn”. 

Báo Times of Israel dẫn lời người đứng đầu Shin Bet, ông Nadav Argaman ngày 24/12 phát biểu trước các nghị sĩ rằng tình hình ở Dải Gaza và khu Bờ Tây đã trở nên đặc biệt đáng báo động sau khi quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng. Ông dự đoán đây sẽ là một “giai đoạn bất ổn gia tăng kéo dài trong ít nhất sáu tháng tới”. 

Trong bản báo cáo trước hội đồng, ông Argaman thông báo trong năm qua lực lượng an ninh Israel đã đẩy lui gần 400 vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng bao gồm 13 vụ đánh bom tự sát và 8 âm mưu bắt cóc.  

Ông Argaman cũng cho rằng trong thời gian tới, Israel sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cả những lời kêu gọi và biểu tình trên đường phố do Chính quyền Palestine phát động.

Kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hôm 6/12 đến nay, các vụ biểu tình phản đối của người Palestine và những cuộc xung đột với các lực lượng Israel xảy ra gần như hàng ngày tại các vùng lãnh thổ của Palestine. Bạo lực giữa hai bên đã làm ít nhất 12 người Palestine thiệt mạng và hàng trăm người biểu tình bị thương.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki ngày 28/12 tuyên bố nước này sẽ kêu gọi tẩy chay về chính trị và kinh tế đối với các nước quyết định “theo chân” Mỹ chuyển đại sứ quán tại Israel tới Jerusalem.

Đài Sputnik (Nga) đưa tin, ông al-Maliki nêu rõ: "Trong cuộc họp diễn ra vào tháng 1 tới, Palestine sẽ đề nghị các Ngoại trưởng Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Jordan và Maroc thực thi những nghị quyết của Hội nghị thượng đỉnh Amman 1980, trong đó bao gồm việc tẩy chay cả về mặt kinh tế và chính trị đối với các quốc gia quyết định chuyển phái bộ ngoại giao của họ tới Jerusalem". 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Mỹ có kế hoạch điều chỉnh chiến dịch tại Syria
Mỹ có kế hoạch điều chỉnh chiến dịch tại Syria

Ngày 29/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết Washington có kế hoạch tăng cường sự hiện diện dân sự tại Syria, gồm các nhà ngoại giao và các nhà thầu, khi cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở quốc gia Trung Đông này đang đi đến hồi kết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN