Thế giới tuần qua: Mỹ-Nga căng thẳng vì thử tên lửa; Brazil đau đầu dập cháy rừng Amazon

Vụ thử tên lửa tầm trung đầu tiên của Mỹ sau khi rút khỏi thỏa thuận INF với Nga và lời kêu cứu từ "lá phổi của hành tinh" Amazon là hai sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần.

Nguy cơ tái khởi động chạy đua vũ trang?

Chú thích ảnh
Vụ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất tại đảo San Nicolas, bang California (Mỹ) ngày 18/8/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Vụ thử nghiệm tên lửa tầm trung đầu tiên của Mỹ ngày 18/8 đã chính thức tái khởi động cuộc chạy đua phát triển tên lửa tầm trung giữa Nga và Mỹ, khiến giới phân tích lo ngại quan hệ hai nước gia tăng căng thẳng.

Mỹ đã có vụ thử tên lửa tầm trung đầu tiên kể từ khi rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đầu tháng 8.

Lầu Năm Góc ngày 19/8 xác nhận quân đội Mỹ đã phóng thử một quả tên lửa hành trình với tầm phóng vượt quá 500km. Vụ phóng thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất truyền thống được triển khai trước đó một ngày trên đảo San Nicolas (bang California).

Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, Trung tá Robert Carver, cho biết loại tên lửa được sử dụng trong vụ phóng là tên lửa hành trình Tomahawk mà trước đó chỉ được phóng từ tàu chiến và tàu ngầm.

Điểm đáng chú ý trong vụ phóng này là việc triển khai Hệ thống Phóng thẳng Mark 41. Nguyên do lo ngại xuất phát từ đặc điểm các bệ phóng này đã được lắp đặt tại các điểm phòng không tại Phần Lan và Romania, sát biên giới Nga. Moskva cho rằng sự hiện diện của những điểm phòng không này là mối đe dọa và vi phạm hiệp ước INF, vì các hệ thống này có thể phóng cả tên lửa Tomahawk và SM-3.

Video Mỹ phóng thử tên lửa tầm trung ngày 18/8 (nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ):

Trong phản ứng đầu tiên về vụ phóng tên lửa, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Mỹ đã đơn phương rút khỏi INF chứ không phải Nga. Ông Putin tuyên bố Nga không có ý định triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn nếu Mỹ không có vũ khí tương tự. Trong cuộc họp với các thành viên thường trực Hội đồng An ninh Liên bang Nga ngày 23/8, Tổng thống Putin giao nhiệm vụ phân tích nguy cơ sau việc Mỹ thử tên lửa hành trình mới và chuẩn bị biện pháp đáp trả tương xứng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định nước này sẽ không tham gia cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và có hại cho nền kinh tế.

Trong một tuyên bố ngày 20/8, Điện Kremlin cho rằng vụ phóng thử một tên lửa hành trình tầm trung thể hiện Washington từ lâu đã sẵn sàng rút khỏi INF. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay vụ thử tên lửa này chắc hẳn không thể được thực hiện mà không có sự chuẩn bị trong nhiều tuần.

Ngày 2/8, Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi INF sau khi cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận. Sự kiện này được xem là bước lùi nguy hiểm đối với hệ thống an ninh và ổn định toàn cầu, do cả hai nước lớn đều tuyên bố rút khỏi thỏa thuận đã ký với nhau từ cách đây hơn 30 năm. Quyết định này đã khiến dư luận thế giới vô cùng lo ngại vì có thể tạo ra khoảng trống nguy hiểm trong hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược quốc tế.

“Lá phổi” hành tinh đang gặp nguy hiểm

Suốt 2 tuần qua, khu rừng mưa Amazon bùng cháy với tốc độ kỷ lục.

Chú thích ảnh
Lửa cháy dữ dội tại rừng Amazon trên địa phận bang Tocantins, Brazil, ngày 17/8. Ảnh: THX/TTXVN

Đầu tháng 8, Brazil đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước số các vụ cháy ngày một tăng trong khu vực. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Không gian Brazil INPE, tính từ đầu năm tới thời điểm hiện tại, Brazil đã xảy ra gần 73.000 vụ cháy rừng. Con số này tăng 83% so với năm 2018 và đạt kỷ lục từ năm 2013. Hầu hết các vụ cháy xảy ra ở rừng Amazon.

Theo hãng tin Reuters, các vụ cháy rừng Amazon đã tàn phá hàng chục nghìn hécta rừng mưa. Hiện con số thiệt hại chính xác vì cháy rừng Amazon vẫn chưa được xác định, song khói mù đã phủ kín thành phố Sao Paulo và một số thành phố khác của Brazil. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các vụ hỏa hoạn đã lan rộng ra các bang Amazonas, Rondonia, Para và Mato Grosso, trong đó bang Amazonas là bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ngày 23/8, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết ông đã phê chuẩn quyết định điều quân đội nước này tới hỗ trợ chữa cháy rừng Amazon, cũng như trấn áp các hoạt động tội phạm tại những bang khu vực có liên quan. Trong một tuyên bố công khai, nhà lãnh đạo này cho rằng nguyên do xảy ra vụ cháy rừng lan rộng là do các hành động trả đũa từ các tổ chức phi chính phủ gây ra đối với quyết định cắt giảm tài trợ. Tuy nhiên, ông vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời cáo buộc nào đối với một tổ chức cụ thể.

Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA, tháng 7 và 8 là hai tháng khô nhất tại rừng mưa Amazon. Người dân thường dùng lửa để phát quang lấy đất canh tác hoặc làm trang trại. Ông Christian Poirier, Giám đốc Chương trình của Tổ chức Giám sát Amazon, cho rằng phần lớn tác nhân gây ra hỏa hoạn tại Amazon chủ yếu là do con người.

Video thực trạng cháy rừng tại Amazon (nguồn: Guardian):

Đứng trước thực trạng “lá phổi của hành tinh" gặp nguy hiểm, cộng đồng quốc tế tiếp tục kêu gọi Chính phủ Brazil có các biện pháp quyết liệt hơn để chống "giặc lửa" kéo dài suốt hai tuần qua. Cả Pháp và Ireland đã đề cập tới việc phản đối thỏa thuận nông nghiệp giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay để gây sức ép với Brazil, trong khi Đức phản đối quan điểm này.

Ngày 23/8, tại nhiều thành phố của Brazil, hàng nghìn người dân đã đổ ra đường, tham gia cuộc tuần hành đòi bảo vệ rừng mưa Amazon. Cùng ngày, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra bên ngoài đại sứ quán và lãnh sự quán Brazil tại các thành phố lớn như London (Anh), Berlin (Đức), Madrid (Tây Ban Nha) và Mumbai (Ấn Độ). Trong khi đó, tại Pháp, hàng nghìn người có kế hoạch tổ chức cuộc tuần hành trong bán kính 30km xung quanh khu nghỉ dưỡng bên bờ biển Biarritz, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) nhằm lên án tình trạng đói nghèo và thiệt hại về môi trường.

Rừng mưa Amazon tạo ra hơn 20% oxy cho Trái Đất và là nơi sinh sống của 10% số lượng loài được biết đến trên thế giới. Amazon được gọi là "lá phổi của hành tinh" và đóng vai trò chính trong việc điều hòa khí hậu.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Hậu quả khủng khiếp của cháy rừng Amazon
Hậu quả khủng khiếp của cháy rừng Amazon

Những đám cháy ở rừng Amazon, lá phổi của hành tinh, sẽ khiến loài người và Trái Đất phải chịu những hậu quả thảm khốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN