Đây là loại vũ khí vốn bị cấm trong Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ vừa rút khỏi hồi tháng trước. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Hiệp ước INF bị xé bỏ, Mỹ thực hiện một vụ thử tên lửa hành trình tầm trung.
RT dẫn một thông cáo ngày 19/8 của Lầu Năm Góc nêu rõ quân đội Mỹ đã thử "một tên lửa hành trình thông thường phóng từ mặt đất" vào ngày 18/8 tại một bãi thử ở đảo San Nicolas thuộc tiểu bang California. Theo nguồn tin trên, tên lửa đã bắn trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500 km.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Carla Gleason cho hay vụ thử tên lửa diễn ra vào lúc 2h30’ ngày 18/8 (9h30’ giờ GMT) từ một bệ phóng di động mặt đất và quân đội Mỹ đang đánh giá kết quả của vụ thử. CNN dẫn lời giới chức quân sự Mỹ cho biết tên lửa này được thiết kế để mang một đầu đạn thông thường, chứ không phải mang đầu đạn hạt nhân.
Trong phản ứng đầu tiên từ Moskva về động thái này, một nghị sĩ Nga tuyên bố việc Mỹ tiến hành vụ thử tên lửa tầm trung nói trên chứng tỏ Washington đã chuẩn bị từ trước kịch bản rút khỏi Hiệp ước INF.
Video vụ thử tên lửa hành trình ngày 18/8 của Mỹ. Nguồn: defensenews
Hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 2/8 đưa tin Mỹ đã chính thức đơn phương rút khởi Hiệp ước INF. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết thêm Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí tấn công Chiến lược mới (New START) còn chưa hoàn thiện và vì vậy nhiều khả năng sẽ không được gia hạn sau khi hết hiệu lực vào tháng 2/2021. Tuy nhiên, chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra liên quan tới START Mới, văn kiện ký kết năm 2010 và hiện là thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất giữa Nga và Mỹ.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington đã tuân thủ hiệp ước trong hơn 30 năm và sẽ không tiếp tục chịu hạn chế bởi điều khoản của INF, trong khi Nga lại có hành động vi phạm. Ông khẳng định một khi các cuộc thảo luận kiểm soát vũ khí với Nga được hoàn tất, Washington sẽ sẵn sàng cho mối quan hệ nổi bật về kinh tế, thương mại và chính trị và các cấp quân sự với Moskva.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố hoàn toàn ủng hộ thông báo rút khỏi INF của Mỹ do nguy cơ an ninh từ việc Nga thử nghiệm, chế tạo hệ thống tên lửa “Novator 9M729".
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Tuy nhiên, Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729", với lý do loại tên lửa này hoàn toàn không vi phạm INF. Theo Moskva, Mỹ cố tình dựng cớ để rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Nhiều nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi INF do lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Tổng thống Nga Putin đã ký phê chuẩn dự luật đình chỉ Hiệp ước INF. Nga tuyên bố sẽ triển khai các biện pháp quân sự đáp trả những mối đe dọa của NATO liên quan đến việc Moskva đình chỉ thực thi INF.
Theo hãng TASS, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng việc NATO cố gắng mô tả những gì đang diễn ra như một biện pháp chính trị-quân sự đáp trả các hành động của Nga về bản chất là hành động đánh lạc hướng dư luận thế giới. Vì vậy, Nga cần triển khai các biện pháp quân sự đối kháng trước các mối đe dọa này.
Quan chức ngoại giao Nga nhấn mạnh trong những năm gần đây, các nước NATO đã thể hiện thái độ nước đôi trong quan hệ với Nga, vừa răn đe vừa đối thoại. Vì vậy, Moskva cũng sẽ thể hiện thái độ tương tự. Nga sẽ vừa kiềm chế các ý định gây hấn của NATO, vừa thúc đẩy đàm phán với các nước thành viên của tổ chức này.
Video sự kiện công khai tên lửa 9M729 của quân đội Nga (nguồn: RT)