Mỹ đặt hàng thiết bị cho tên lửa từng bị cấm trong INF

Nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin vừa giành được một hợp đồng trị giá hơn 400 triệu USD phụ trách chuyển giao linh kiện và thiết bị cho tên lửa tầm trung thế hệ mới.

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa tầm trung Pershing của Mỹ. Ảnh: National Interest

Đài Sputnik dẫn thông cáo báo chí của Lầu Năm Góc ngày 7/8 đưa tin hợp đồng được ký kết chưa đầy 1 tuần sau khi Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), giết chết thỏa thuận định hình 32 năm bình ổn chiến lược và hòa bình tại châu Âu.

Thông cáo báo chí đề cập: “Tập đoàn Lockheed Martin đã giành được hợp đồng trị giá tối đa 405 triệu USD cho nhiệm vụ thiết kế, phát triển, xây dựng và tích hợp mô-tơ rocket có đường kính lớn với phần thân tên lửa và thiết bị hỗ trợ cho các cuộc thử nghiệm Hệ thống vũ khí tấn công thông thường tầm trung”.

Trước đó, giới lãnh đạo Moskva và Bắc Kinh chỉ ra rằng quyết định rút khỏi hiệp ước INF của Washington cho phép chính phủ Mỹ phát triển tên lửa truyền thống và hạt nhân tầm trung di động thế hệ mới thay thế hệ thống Pershing II từng bị cấm trong thỏa thuận. Loại tên lửa này có thể được triển khai để đe dọa Nga và Trung Quốc.

Trong một diễn  biến liên quan, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) bắt đầu lắp đặt các bảng radar tầm xa trong cơ sở mới tại bang Alaska, Mỹ.

"Chương trình radar nhận biết tầm xa (LRDR) của MDA đã hoàn thành việc chuyển giao bộ phận radar đầu tiên đến Clear, Alaska. Chương trình dự kiến tiếp tục triển khai để hoàn thành các mốc hoạt động quan trọng vào năm 2020”, tập đoàn Lockheed Martin tuyên bố hôm 7/8.

Hệ thống radar mới dự kiến hoạt động như một ứng dụng cảm biến quan trọng trong chương trình phòng thủ nhiều lớp của MDA. LRDR sẽ cung cấp dữ liệu thu thập, theo dõi và phân loại các mối đe dọa 24/7 để ngăn chặn các mối đe dọa tên lửa đạn đạo.

Bộ phận rộng hơn 8m vừa được tiếp nhận trên chỉ là một trong số 20 phần sẽ được chuyển đến Alaska trong những tháng tới khi quá trình sản xuất tiếp tục thực hiện đúng tiến độ.

Ngày 2/8, Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi INF sau khi cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này. Tuy nhiên, Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc của Washington. INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).

Vào tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729". Trong khi đó, Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729", đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Theo Moskva, Mỹ đã cố tình tạo cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.

Trong cuộc họp khẩn Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 5/8, Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và cơ quan tình báo Nga tìm hiểu các nỗ lực của Mỹ trong việc phát triển và triển khai lực lượng hạt nhân mới trong bối cảnh Hiệp ước INF đổ vỡ.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tổng thống Putin họp khẩn Hội đồng An ninh Quốc gia vì Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF
Tổng thống Putin họp khẩn Hội đồng An ninh Quốc gia vì Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/8 đã tổ chức cuộc họp khẩn Hội đồng An ninh Quốc gia sau khi Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN