Phát biểu với các phóng viên tại thủ đô Brasilia, Tổng thống Bolsonaro cho biết ông sẽ họp với các bộ trưởng để thảo luận về các bước đi tiếp theo và một trong những sự lựa chọn hàng đầu là cử quân đội tới tham gia chữa cháy rừng.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại về vụ cháy rừng tại Amazon và kêu gọi Chính phủ Brazil có các biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ khu vực được coi là "lá phổi Xanh của hành tinh".
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 23/8 cho biết nhà lãnh đạo Anh "lo ngại sâu sắc" về các vụ cháy rừng Amazon cũng như "tác động của nó trong việc làm biến mất "các môi trường sống quý báu này". Anh sẽ kêu gọi các nước chú trọng vào bảo vệ tự nhiên tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Pháp từ ngày 24-26/8 tới.
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cùng ngày cho biết các vụ cháy rừng Amazon đã lên tới "tình trạng cực kỳ khẩn cấp" và sẽ được các nhà lãnh đạo G7 thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Pháp.
Phát biểu với báo giới tại Berlin, ông Seibert nói: "Quy mô các vụ cháy ở khu vực Amazon gây sửng sốt và đang đe dọa không chỉ Brazil và các nước khác chịu tác động, mà còn đe dọa cả thế giới". Ông cho biết Thủ tướng Angela Merkel tin rằng vấn đề này sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng khẳng định cháy rừng là một "cuộc khủng hoảng quốc tế", đồng thời kêu gọi các quốc gia phát triển nhất thế giới chung tay giải quyết vấn nạn này tại hội nghị thượng đỉnh G7 sắp diễn ra. Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống Brazil Bolsonaro đã "nói dối" khi làm giảm bớt những lo ngại về biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Nhật Bản hồi tháng 6 vừa qua. Do vậy, Pháp sẽ phản đối thỏa thuận nông nghiệp giữa EU và khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay
Trước đó, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar tuyên bố Dublin sẽ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận thương mại giữa EU với MERCOSUR trừ phi Brazil có hành động bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon.
Từ hai tuần qua, các vụ cháy rừng Amazon đã tàn phá hàng chục nghìn hécta rừng nhiệt đới. Cộng đồng quốc tế quan ngại các vụ cháy ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, hệ động thực vật tại khu vực được gọi là “lá phổi xanh của hành tinh”. Theo số liệu chính thức của Chính phủ Brazil, gần 73.000 đám cháy rừng đã được ghi nhận ở nước này trong 8 tháng đầu nay, con số cao nhất kể từ năm 2013, và hầu hết xảy ra ở rừng Amazon. So với cùng kỳ năm ngoái, cháy rừng Amazon từ đầu năm đến nay tăng 83%. Hiện con số thiệt hại chính xác vì cháy rừng Amazon vẫn chưa được xác định, song khói mù đã phủ kín thành phố Sao Paulo và một số thành phố khác của Brazil. Trong khi đó, cháy rừng có xu hướng nghiêm trọng hơn do mùa khô hanh hiện nay, kéo dài đến cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, và thói quen phá rừng làm nương rẫy và bãi chăn thả gia súc.
Rừng mưa Amazon có diện tích 7 triệu km2, chiếm 60% lãnh thổ Brazil và trải dài trên lãnh thổ 8 nước gồm Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Suriname. Đây là bể chứa khí carbon lớn nhất thế giới và được xem là "tấm khiên sống" bảo vệ Trái Đất trước sự nóng lên toàn cầu. Theo số liệu thống kê, hơn 40.000 loài thực vật, 1.300 loài chim và hơn 4.200 loài động vật hiện đang sinh sống tại phần rừng nhiệt đới Amazon nằm trên lãnh thổ của Brazil.