Thế giới tuần qua: EC có nữ chủ tịch đầu tiên, bất nhất vụ Mỹ bắn rơi máy bay không người lái Iran

Sự kiện nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen trở thành tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cùng với những thông tin bất nhất liên quan đến việc Nhà Trắng tuyên bố bắn hạ một máy bay không người lái của Iran chính là tâm điểm dư luận thế giới tuần qua. 

Chiến thắng lịch sử của nữ chính khách Đức

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen rạng sáng 17/7 theo giờ Việt Nam đã chính thức được bầu làm Chủ tịch EC, giữ hai kỷ lục là người phụ nữ đầu tiên và cũng là người Đức đầu tiên đảm nhiệm cương vị quan trọng này sau hơn 50 năm EC thành lập.

Chú thích ảnh
Bà Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP

Cuộc bỏ phiếu đã diễn ra tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp) chiều 16/7 (giờ địa phương). Trước đó, ban lãnh đạo Liên minh châu (EU) đã đề cử bà von der Leyen vào vị trí này sau 50 tiếng thảo luận căng thẳng dù bà không phải một trong những “spitzenkandidat” hay ứng cử viên hàng đầu. Nữ chính khách người Đức đã giành được 383 phiếu ủng hộ, 327 phiếu chống trên tổng số 733 phiếu bầu (tương đương 52% số phiếu thuận). Bà von der Leyen chỉ cần 374 phiếu thuận để trở thành Chủ tịch EC. 

Với kết quả trên, bà von der Leyen đã trở thành người phụ nữ đầu tiên làm Chủ tịch EC, thay ông Jean-Claude Juncker tiếp tục phán quyết những chính sách quan trọng của châu Âu, đặc biệt là vụ “ly hôn” Anh rời khỏi EU hay còn gọi là Brexit. Bà dự kiến nhậm chức vào ngày 1/11 tới. 

Phát biểu sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, tân Chủ tịch EC nói: “Niềm tin các bạn đặt vào tôi chính là sự tin cậy các bạn đặt vào châu Âu. Sự tin tưởng vào một châu Âu đoàn kết và hùng cường từ Đông sang Tây, từ Bắc tới Nam. Niềm tin tưởng vào một châu Âu sẵn sàng chiến đấu vì tương lai thay vì đấu đá lẫn nhau”. 

Khi được hỏi liệu bà mong muốn ông Boris Johson hay ông Jeremy Hunt trở thành Thủ tướng Anh mới, nữ chính khách trả lời với báo giới: “Cá nhân tôi không biết họ và có một quy tắc vàng tôi luôn tôn trọng rằng tôi sẽ làm việc theo một đường hướng mang tính chất xây dựng với mọi nguyên thủ và chính phủ”. Bà von der Leyen cho biết bà sẵn sàng ủng hộ việc ra hạn thời hạn chót của Brexit tới sau ngày 31/10 nếu cần thiết.

Đề cập tới chủ đề "nóng" khác là biến đổi khí hậu, bà von der Leyen cam kết đề xuất một "thỏa thuận xanh" cho châu Âu trong 100 ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, hướng tới một châu lục không có khí thải CO2 vào năm 2050, đồng thời nhấn mạnh các vấn đề xã hội, thu nhập của người lao động, chính sách nhập cư và biến đổi khí hậu sẽ là trọng tâm chương trình nghị sự của mình trong 5 năm tới. Là mẹ của 7 người con, bà cũng hứa sẽ đảm bảo cung cấp chương trình chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí cho mọi trẻ em ở EU.  

Theo báo DW, ngay khi nhậm chức lãnh đạo EC, không chỉ quá trình Brexit “tiến thoái lưỡng nan”, bà Ursula von der Leyen còn phải đối mặt với những thách thức nan giải khác như vấn nạn người di cư, vụ tranh cãi giữa Hungary và Ba Lan về kế hoạch cải cách tư pháp hay giải pháp nào cho vấn đề linh hoạt ngân sách Italy. 

Mỹ nói có, Iran nói không

Các diễn biến “đổ dầu vào lửa” trong vụ căng thẳng quan hệ giữa Mỹ - Iran liên tục xuất hiện. Sau sự việc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRCG) bắn rơi một máy bay do thám RA-4 không người lái của Mỹ ngày 20/6 khiến Tổng thống Donald Trump quyết định trả đũa bằng một cuộc không kích song đã rút lại vào phút chót, mới đây, ngày 18/7, Nhà Trắng tuyên bố tàu tấn công đổ bộ USS Boxer của nước này đã tiêu diệt một máy bay không người lái của Tehran để tự vệ. 

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết tàu USS Boxer đang di chuyển trên Eo biển Hormuz thì bị một máy bay của Iran tiếp cận ở khoảng cách hơn 900 mét bất chấp những cảnh báo từ phía Mỹ. Vì vậy, tàu Boxer đã triển khai một hệ thống để gây nhiễu rồi tiêu diệt máy bay trên để bảo vệ sự an toàn của thủy thủ và tàu chiến Mỹ. 

Tuy nhiên, phía Tehran đã bác bỏ toàn bộ thông tin trên. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi nêu rõ trong thời gian gần đây Iran "không thất lạc bất kỳ máy bay không người lái nào trên Eo biển Hormuz, hay bất kỳ nơi nào khác". Ông Araghchi cho rằng tàu tấn công đổ bộ USS Boxer đã bắn nhầm thiết bị bay không người lái của chính mình. 

Ngày 19/7, IRGC đã công bố một đoạn video về tàu tấn công đổ bộ USS Boxer của Mỹ được ghi hình bởi chính chiếc máy bay không người lái mà Washington tuyên bố bắn rơi. Đoạn video được coi là lời bác bỏ chính thức đối với các tuyên bố của Nhà Trắng về số phận của chiếc máy bay tại Eo biển Hormuz, đồng thời là bằng chứng chứng minh nó đã quay trở về căn cứ an toàn. (Xem video dưới đây. Nguồn: Press TV)

Bên cạnh số phận của chiếc máy bay không người lái, vùng Vịnh Ba Tư lại dậy sóng bởi hành động bắt giữ một tàu chở dầu Anh trên Eo biển Hormuz của IRGC hôm 19/7. Truyền thông Iran đưa tin tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh đã bị bắt giữ vì vi phạm luật hàng hải quốc tế khi đi qua Eo biển Hormuz song không hề cung cấp thêm chi tiết. Tờ Washington Post dẫn các báo cáo của giới chức Mỹ và các trang theo dõi hải trình tại khu vực cho thấy ngoài tàu Stena Impero, một tàu chở khác mang tên Mesdar treo cờ Liberia nhưng thuộc sở hữu của một công ty Anh cũng bị IRGC bắt nhưng thông tin này chưa được xác thực.  

Dữ liệu của trang MarineTraffic.com cho thấy cả hai tàu trên đều đã thay đổi hành trình và rẽ về phía bờ biển Iran khi đi vào Vịnh Ba Tư qua Eo biển Hormuz. Sáng sớm 20/7, tàu Mesdar lại thay đổi hướng đi và dường như đã quay trở lại hành trình ban đầu, hướng về cảng Ras Tanura của Saudi Arabia. 

Chính phủ Anh cho biết đang khẩn cấp tìm kiếm thông tin thêm về hai tàu chở dầu. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt khẳng định “vô cùng lo ngại” về vụ việc trên và sẽ chủ trì một cuộc họp khẩn để tìm biện pháp đối phó. Ông cho biết trên tàu không có công dân Anh. “Chúng tôi sẽ đáp trả mạnh mẽ. Chúng tôi hiểu rõ rằng nếu tình hình này không được giải quyết sớm, hậu quả sẽ khôn lường”, ông Hunt trả lời kênh Sky News. 

Trong khi đó tại Washington, Tổng thống Trump nhận định vụ Iran chặn tàu Anh đã chứng minh cho tuyên bố được lặp lại nhiều lần của ông rằng Iran “không có gì ngoài rắc rối”. 

Xuân Chi/Báo Tin tức
Ấn Độ xem xét lại chương trình hợp tác sản xuất và mua Su-57 của Nga
Ấn Độ xem xét lại chương trình hợp tác sản xuất và mua Su-57 của Nga

Quân đội Ấn Độ sẵn sàng xem xét lại chương trình hợp tác với Moskva để đồng sản xuất hoặc mua tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57 của Nga sau khi máy bay này hoàn tất thử nghiệm bởi Quân đội Nga. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN