Thế giới có trên 1,7 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h sáng 12/4 (giờ Việt Nam), dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 1.773.112 người mắc bệnh và 108.471 người tử vong.
Riêng tại Mỹ, nước này tiếp tục là quốc gia có số bệnh nhân COVID-19 cao nhất thế giới với 529.154 ca mắc bệnh và 20.460 ca tử vong. Mỹ cũng là nước đầu tiên trên thế giới ghi nhận tới trên 2.300 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ và đã vượt qua Italy trở thành nước có số ca tử vong nhiều nhất.
Trong ngày 11/4, New York ghi nhận thêm 783 ca tử vong do COVID-19, tăng 6 ca so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong tại New York lên 8.627 người.
Hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau Mỹ vì COVID-19 là Tây Ban Nha đến sáng 12/4 có 163.027 ca mắc và 16.606 trường hợp tử vong, Italy có 152.271 người mắc, 19.468 người thiệt mạng.
Trong những diễn biến đáng quan tâm khác, Yemen đã ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tại nước này, gây lo sợ về một đại dịch gây gánh nặng lớn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn không ổn định.
Chính phủ Iran cho biết số ca mắc COVID-19 tại nước này bắt đầu có dấu hiệu giảm dần. Trong tuần này, Indonesia và Nga đều ghi nhận mức tăng số ca mắc COVID-19 lớn nhất trong ngày.
Có tổng số 9.200 ca mắc và trên 400 trường hợp tử vong vì COVID-19 tại 51 quốc gia châu Phi. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi đoàn kết và thực hiện nỗ lực hỗ trợ quy mô.
Bộ Quốc phòng Pháp xác nhận 50 thủy thủ trên tàu sân bay duy nhất của nước này Charles de Gaulle đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Tàu sân bay Charles de Gaulle với 1.760 thủy thủ vốn có cơ sở chăm sóc đặc biệt riêng trên tàu. Có 3 thủy thủ đã được chuyển đến một bệnh viện quân y tại Toulon.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 7/4 đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại một số nơi, bao gồm cả Tokyo, khi số ca mắc COVID-19 tại nước này gia tăng. Cùng ngày, chính phủ Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế khẩn cấp 108.000 tỷ yen (tương đương 989 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế gặp khó khăn do COVID-19.
Cũng trong ngày 7/4, nội các Thái Lan thông qua gói kích thích kinh tế thứ 3 trị giá 1.900 tỷ baht (58 tỷ USD) nhằm giảm nhẹ tác động của dịch COVID-19.
Trước đó, ngày 6/4, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin côn bố gói kích thích kinh tế bổ sung 10 tỷ ringgit (khoảng 2,3 tỷ USD) hướng tới hỗ trợ giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19 tới các doanh nghệp nhỏ và vừa của nước này.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres ngày 6/4 đã khuyến khích các chính phủ bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực gia đình gia tăng liên quan đến biện pháp phong tỏa, cách ly chống COVID-19.
Ông Guterres nói: “Đối với nhiều phụ nữ và trẻ em gái, mối đe dọa ngày càng lớn hơn ở nơi đáng lẽ phải an toàn nhất: đó chính là ngôi nhà của họ”. Do vậy, Tổng thư ký Guterres khuyến khích các chính phủ cho “ngăn chặn bạo lực đối với vụ phụ nữ vào kế hoạch phản ứng với COVID-19 của quốc gia”.
Phương Tây tính nới lỏng phong tỏa
Trong tuần qua, chính phủ một số quốc gia đã bắt đầu xem xét phương án nới lỏng lệnh phong tỏa chống COVID-19. Tờ Guardian (Anh) dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tổ chức này đang hợp tác với các quốc gia tìm phương pháp nới lỏng dần dần lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa quá sớm có thể dẫn đến nguy hiểm.
Trước tình trạng thất nghiệp gia tăng, Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ với các phóng viên rằng ông hy vọng sớm có thể để hoạt động kinh doanh quay trở lại. Ngày 10/4, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết sang tuần tới ông sẽ công bố một hội đồng các chuyên gia kinh tế và y khoa tư vấn giúp ông đưa ra “quyết định lớn nhất” về việc có mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ hay không. Tờ Washington Post dẫn nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Trump muốn mở cửa trở lại kinh tế nước Mỹ vào tháng 5 bất chấp lo ngại của các chuyên gia kinh tế và y tế.
Áo là quốc gia châu Âu đầu tiên công khai kế hoạch nới lỏng hạn chế phong tỏa. Ngày 6/4, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết: “Mục tiêu là từ 14/4, các cửa hàng nhỏ khoảng 400 mét vuông, cửa hiệu máy tính, nông trại có thể mở cửa trở lại trong tìnhh trạng an ninh chặt chẽ”. Nếu lịch trình của chính phủ theo đúng kế hoạch, các cửa hàng lớn hơn có thể mở cửa từ 1/5, trong khi khách sạn, nhà hàng và dịch vụ khác hoạt động trở lại từ giữa tháng 5.
Thủ tướng Kurz khẳng định điều này phụ thuộc vào việc công dân Áo có tiếp tục thực hiện đúng quy định giãn cách xã hội trong tuần này và Lễ Phục Sinh hay không.
Lệnh phong tỏa của Đức sẽ hết hiệu lực vào 19/4 và nước này đã ghi nhận số ca nhiễm trong ngày giảm dần. Chính phủ Đức đang xem xét biện pháp dần dần nối lại sinh hoạt thường nhật, trong đó bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người.
Giống như một vài quốc gia châu Âu khác, Áo và Đức chủ trương dựa vào ứng dụng di động để theo dõi hoạt động di chuyển của người dân và cảnh báo rủi ro lây nhiễm bệnh. Ngày 6/4, đã có kêu gọi phát triển một ứng dụng cho toàn châu Âu.
Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha ngày 10/4 khẳng định lệnh phong tỏa tại nước này vẫn được duy trì nhưng một số người lao động có thể quay trở lại làm việc từ 13/4.
Trái với các nước trên, Italy chủ trương kéo dài lệnh phong tỏa đến 3/5. Giới chức trách đã điều động trực thăng, máy bay không người lái và cảnh sát tuần tra để đảm bảo người dân không vi phạm quy định phong tỏa trong Lễ Phục Sinh