Tính hết ngày 10/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 17.191 ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 712 trường hợp mắc bệnh mới.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 638 người ở khu vực này, tăng 46 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng mạnh, với 4.075 ca hồi phục.
Malaysia gia hạn lệnh kiểm soát đi lại
Ngày 10/4, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã một lần nữa quyết định kéo dài Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) thêm hai tuần. Phát biểu trực tiếp trên truyền hình, Thủ tướng Muhyiddin cho biết quyết định kéo dài MCO nhằm tạo điều kiện cho ngành y tế có thêm thời gian để đối phó với dịch COVID-19 cũng như ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh tái phát.
MCO được Chính phủ Malaysia triển khai trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày 18 – 31/3, nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Sau đó, lệnh này đã được kéo dài thêm hai tuần, đến ngày 14/4. Theo quyết định mới nhất nói trên, MCO sẽ được áp dụng đến hết ngày 28/4, tức là chỉ một vài ngày trước tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Tính đến cuối ngày 10/4, Malaysia ghi nhận tổng cộng 4.346 ca mắc COVID-19, trong đó 1.830 trường hợp đã khỏi bệnh và 70 người tử vong.
Campuchia thông qua dự thảo luật tình trạng khẩn cấp quốc gia
Trong phiên họp toàn thể ngày 10/4, Quốc hội Campuchia đã thông qua dự thảo luật tình trạng khẩn cấp quốc gia. Dự thảo luật gồm 12 điều, trong đó Điều 3 nêu rõ có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi người dân đối mặt với những nguy hiểm như sự xâm chiếm từ bên ngoài, lo ngại về sức khỏe cộng đồng do đại dịch, sự hỗn loạn nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và trật tự công cộng, cũng như thiên tai. Dự luật còn phải chờ Thượng viện Campuchia phê chuẩn trước khi trình lên Quốc Vương.
Cùng ngày, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo thay đổi một số điều trong lệnh hạn chế đi lại, được ban hành hôm 9/4, nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Theo đó, để phù hợp với địa lý và nhu cầu đi lại, làm việc hằng ngày của các công chức chính phủ, cũng như của chủ doanh nghiệp, người lao động và người dân nói chung, Chính phủ Hoàng gia Campuchia quyết định thay đổi khu vực hạn chế đi lại, cụ thể là gộp thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal thành một khu vực chung, cho phép người dân có thể đi lại. Người dân cũng có thể di chuyển giữa các quận, huyện trong cùng một tỉnh hoặc thành phố, thay vì cấm như thông báo trước đó.
Ngày 9/4, Thủ tướng Hun Sen đã ban hành lệnh hạn chế đi lại liên tỉnh trên toàn quốc, nhất là giữa thủ đô Phnom Penh đến các tỉnh và ngược lại. Quyết định hạn chế đi lại bắt đầu có hiệu lực từ 0h ngày 10/4 đến 24h ngày 16/4. Lệnh hạn chế đi lại là động thái mới nhất và mạnh tay nhất trong các biện pháp mà Chính phủ Campuchia áp dụng để ngăn chặn dịch COVID-19 sau khi thông báo hủy kỳ nghỉ lễ đón Năm Mới của người Khmer. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận 119 ca mắc COVID-19, trong đó 72 người đã khỏi bệnh.
Indonesia triển khai quân đội giám sát giãn cách xã hội
Trong khi đó, Indonesia đã triển khai cảnh sát và binh lính tại thủ đô Jakarta nhằm thực thi biện pháp giãn cách xã hội, chính thức có hiệu lực từ nửa đêm 9/4, dự kiến kéo dài 2 tuần. Theo đó, những người vi phạm quy định có thể phải đối mặt với mức phạt nặng và lên tới 1 năm tù giam.
Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, Chính phủ Indonesia khuyến cáo người dân nước này ở nhà và chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết, không được tụ tập quá 5 người. Các cơ sở cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như siêu thị, trạm xăng, bệnh viện, ngân hàng vẫn được phép hoạt động. Ngành vận tải công cộng tại Jakarta giảm 50% tần suất và chỉ hoạt động từ 6h - 18h hằng ngày.
Sau khi hàng triệu người vẫn tiếp tục đi lễ, các đền thờ và cơ sở tôn giáo đã được lệnh đóng cửa trong ít nhất 2 tuần tới.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Indonesia, ngày 10/4, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận thêm 219 trường hợp mắc COVID-19 mới và 26 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này hiện là 3.512 và 306 người tử vong.
Singapore ngừng sử dụng ứng dụng học online Zoom
Ngày 10/4, Bộ Giáo dục Singapore thông báo đã đình chỉ việc sử dụng ứng dụng họp trực tuyến Zoom đối với các giáo viên, sau khi xảy ra những sự cố nghiêm trọng liên quan đến ứng dụng này. Các trường học tại Singapore đang áp dụng hình thức học trực tuyến, sau khi quốc gia này áp dụng lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Theo truyền thông Singapore, những sự cố bao gồm việc xuất hiện các hình ảnh khiêu dâm trên màn hình, hay những người lạ có lời lẽ tục tĩu trong tiết dạy địa lý trực tuyến có sự tham gia của các học sinh nữ. Bộ Giáo dục Singapore đang tiến hành điều tra và sẽ báo lên cảnh sát nếu được xác nhận. Để phòng ngừa, các giáo viên Singapore sẽ ngừng việc sử dụng ứng dụng Zoom cho đến khi các vấn đề an ninh được giải quyết. Quan chức này cho hay nhà chức trách sẽ khuyến nghị giáo viên thực hiện các biện pháp bảo mật như đăng nhập an toàn, hay không chia sẻ link các buổi học cho những người ngoài lớp.
Số người sử dụng phần mềm họp trực tuyến Zoom hằng ngày đã tăng mạnh kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới. Hàng triệu người buộc phải làm việc tại nhà do dịch bệnh đã sử dụng ứng dụng này, trong khi các trường học cũng chuyển sang sử dụng Zoom để thực hiện giảng dạy trực tuyến. Việc gia tăng sử dụng Zoom đã bộc lộ nhiều lỗ hổng bảo mật. Hiện Zoom đã thuê cựu Giám đốc an ninh của Facebook Alex Stamos làm cố vấn và thành lập một ban cố vấn để tìm giải pháp cải thiện các vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật.
Thái Lan: Phong toả hoàn toàn tỉnh Phuket
Phuket đã trở thành tỉnh đầu tiên của Thái Lan áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn trên tất cả các khu vực kể từ 0h01 ngày 13/4/2020 nhằm nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19. Hòn đảo du lịch nổi tiếng của Thái Lan trên biển Amanda này hiện là địa phương có tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất nước. Tính đến ngày 10/4, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 2.473 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên 68/76 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có 33 ca tử vong.
Cùng ngày, các lực lượng vũ trang Thái Lan đã đồng ý giảm ngân sách quốc phòng trong bối cảnh chính phủ đang dồn nguồn lực tài chính để giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19. Trong khi đó, thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã ban hành lệnh cấm bán rượu, bia, đồ uống có cồn trong 10 ngày kể từ 10/4-20/4/2020. Đây là một trong những biện pháp mới nhất nhằm ngăn chặn tụ tập đông người để kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19. Bangkok hiện vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất Thái Lan.
Philippines khởi động nền tảng trực tuyến phản ứng khẩn cấp với COVID-19
Ngày 10/3, The Philippines đã khai trương một nền tảng di động có tên StaySafe.ph cho phép chính phủ truy dấu những người có dấu hiệu nhiễm virus SARS-CoV-2 và các tiếp xúc nghi ngờ. Người dùng được đề nghị khai báo trực tuyến nếu có bất cứ dấu hiệu nào mắc COVID-19. Nền tảng này sau đó sẽ đưa ra đánh giá ban đầu về tình trạng bệnh của họ dựa trên những triệu chứng khai báo. Dự liệu sau đó sẽ giúp xây dựng một "bản đồ nóng" những khu vực có nhiều ca nhiễm và nghi nhiễm virus.
Tới hết ngày 10/4, Philippines ghi nhận 4.195 ca mắc COVID-19 trong đó có 119 bệnh nhân mới, và số người tử vong là 221 ca, trong khi mới có 140 người bình phục.
Các quốc gia còn lại trong khối chỉ ghi nhận số lượng ít ca mắc COVID-19 mới, trong đó Brunei thêm 1 ca, tổng số 136 ca mắc; Timor Leste thêm 1 ca, tổng số 2; Campuchia không ghi nhận trường hợp nào nhiễm mới trong ngày, vẫn giữ tổng số ca mắc là 119.
Ngày 10/4, Việt Nam ghi nhận thêm hai ca mắc COVID-19, trong đó các ca mắc mới, có 1 ca ở xóm Hội, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Như vậy, tính đến hiện tại Việt Nam đã ghi nhận 257 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 159 người từ nước ngoài chiếm 61,9%; 98 người lây nhiễm thứ phát.