Xu hướng tuyển dụng trực tuyến bùng nổ trong mùa dịch COVID-19 tại Trung Quốc

Nụ cười, giao tiếp bằng mắt và bắt tay với người phỏng vấn một cách quyết đoán – là những bí quyết tạo ấn tượng tốt ban đầu khi đi phỏng vấn cho sinh viên mới tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh phong toả vì dịch COVID-19, những điều này dường như đã không còn quan trọng vì các cuộc phỏng vấn trực tiếp đang dần trở nên hiếm hoi ở Trung Quốc trong nhiều tháng gần đây.

Chú thích ảnh
Các cuộc phỏng vấn trực tiếp đang trở nên hiếm hoi ở Trung Quốc trong bối phong toả vì COVID-19. Ảnh: SCMP

Wang Hengli, 22 tuổi, sinh viên năm cuối Trường Học viện Công nghệ Vũ Hán, dự kiến tốt nghiệp vào tháng 6, đã nhận được 2 trong số 4 lời mời phỏng vấn qua video. Wang cho biết mặc dù ban đầu anh không quen giao tiếp với người tuyển dụng qua màn hình máy tính, nhưng giờ đây anh thích phỏng vấn qua video hơn vì sự thuận tiện của nó.

“Mặc dù người phỏng vấn vẫn có thể nhìn thấy tôi trong các cuộc phỏng vấn qua video, nhưng tôi có thể tránh được một số khoảnh khắc khó xử khi lo lắng quá và không biết đặt tay ở đâu”, anh nói.

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, (Hong Kong, Trung Quốc), Wang chỉ là một trong số 8,7 triệu sinh viên đại học dự kiến gia nhập lực lượng lao động trong năm nay khi đại dịch COVID-19 đang khiến quy trình tuyển dụng trở nên phức tạp hơn.

Sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 đã thúc đẩy nhiều xu hướng công nghệ số phát triển, như việc dạy học và khám bệnh trực tuyến. Do ảnh hưởng của dịch bệnh trên nhiều lĩnh vực, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã tăng từ 5,3% trong năm 2019 lên 6,2% trong tháng 1 và tháng 2/2020. Hiện tại, lĩnh vực tuyển dụng truyền thống cũng bị gián đoạn vì nước này phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng thất nghiệp chưa từng thấy.

Chú thích ảnh
Trung tâm mua sắm tại Trung Quốc vắng khách vì COVID-19. Ảnh: Getty Images

Để giúp sinh viên mới tốt nghiệp tìm được việc làm, Bộ Giáo dục Trung Quốc (MOE) đã khởi động một dự án tuyển dụng trực tuyến mang tên “24365” - nghĩa là 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm, từ cuối tháng 2.

Theo tin của Tân Hoa Xã, cho đến nay, chiến dịch do MOE điều hành trên nền tảng tuyển dụng của họ cùng với 5 trang web tuyển dụng thương mại lớn – như Zhaopin.com, BOSS Zhipin, 51job, Liepin.com và ChinaHR.com – đã giới thiệu được trên 2 triệu việc làm và thu hút trên 250.000 người dùng mới.

Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc (MOHRSS) cũng đã ra mắt dự án tuyển dụng trực tuyến trên toàn quốc cùng các công ty, bao gồm Zhaopin.com, nền tảng video Douyin và nền tảng thanh toán di động Alipay từ hôm 20/3. Dự án có kế hoạch giới thiệu hơn 10 triệu việc làm và sẽ kéo dài đến cuối tháng 6. MOHRSS cho biết 950.000 công ty đã đăng hơn 5,7 triệu việc làm vào ngày đầu tiên ra mắt dự án.

Theo sáng kiến này, người tìm việc có thể xác định vị trí của các "hội chợ việc làm" bằng cách tìm kiếm với thuật ngữ “việc làm tốt” trên nền tảng Alipay. Ở đó, ứng viên có thể nghiên cứu hồ sơ của tất cả các nhà tuyển dụng tiềm năng và gửi hồ sơ trực tuyến của mình cho các công ty phù hợp.

Chú thích ảnh
Nền tảng thanh toán di động Alipay. Ảnh: CNBC

Tận dụng thời điểm này, nhiều nền tảng tuyển dụng lớn đang bắt đầu thúc đẩy công nghệ số tại Trung Quốc, cũng đã tăng tốc phát triển các chức năng mới hơn như phỏng vấn video và phát trực tiếp nhằm thu hút các ứng viên và các nhà tuyển dụng trong điều kiện tuyển dụng hạn chế hơn.

“Các nền tảng tuyển dụng đang chuyển đổi kỹ thuật số cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác. Phỏng vấn qua video có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian và nâng cao hiệu quả tuyển dụng”, cô Jiao Yujia, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường iResearch, cho biết.

Trong khi đó Liepin.com, một trong những nền tảng phát triển việc làm lớn nhất của Trung Quốc, với 450.000 khách hàng doanh nghiệp và 150.000 nhà tuyển dụng, đã ra mắt sản phẩm phỏng vấn video Duomian hồi tháng 3. Nền tảng Duomian được cung cấp miễn phí cho tất cả các công ty trong thời gian giới hạn, giúp các công ty quản lý và thực hiện hiệu quả các đợt phỏng vấn video.

“Hình thức tuyển dụng truyền thống vẫn còn tồn tại trong một thời gian, đặc biệt là phần phỏng vấn. Tuy nhiên, đại dịch đã thúc đẩy việc tuyển dụng trực tuyến nhiều hơn, tất cả các cuộc phỏng vấn việc làm vòng một đều có thể được thực hiện qua video trong tương lai”, ông Dai Kebin, nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành của Liepin.com cho biết.

Chú thích ảnh
Nền tảng tuyển dụng trực tuyến Liepin.com. Ảnh: Shanghai Daily

Trước năm 2017, các trang web tuyển dụng trực tuyến chỉ là nền tảng thu thập thông tin, bắc cầu cho các doanh nghiệp và người tìm việc, một phần nhỏ trong toàn bộ quy trình tuyển dụng. Tuy nhiên, trong đại dịch COVID-19, có thể thấy rằng toàn bộ quá trình tuyển dụng đang diễn ra trực tuyến, từ việc đăng các vị trí công việc, lựa chọn hồ sơ, phỏng vấn đến việc thông báo kết quả.

Mới đây, một "hội chợ việc làm" được phát trực tiếp do công ty công nghệ Tencent tổ chức đã thu hút hơn 70.000 người xem. Gã khổng lồ xã hội và giải trí cho biết họ sẽ tập trung vào tuyển dụng các vị trí ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch, như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và dịch vụ hành chính.

Các lựa chọn tuyển dụng trực tuyến đã giúp cho các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp như Liu Wen có cơ hội tìm kiếm việc làm trong thời gian ở nhà vì lệnh phong toả.

Các sinh viên năm cuối thường có một kỳ thực tập vào tháng 2 hoặc tháng 3 trước khi gia nhập lực lượng lao động. Tuy nhiên, Liu đã không thể đi thực tập vì đại dịch bùng phát. Thay vào đó, cô đã theo dõi các bài đăng việc làm thông qua dự án 24365 và đã đăng ký một hội chợ việc làm trực tuyến do trường đại học của cô tổ chức vào tháng 4.

“Tôi sẽ tốt nghiệp vào tháng 6 mà bây giờ đã là tháng 4. Tôi đang rất lo lắng về luận văn tốt nghiệp của mình, làm thế nào để tìm việc làm, tôi cảm thấy tương lai của mình đang rất rối bời”, Liu, 23 tuổi, sinh viên năm cuối sống tại tỉnh Hồ Bắc, đã ở nhà trong hai tháng qua vì lệnh phong toả, chia sẻ.

Hải Vân/Báo Tin tức
Ngoại thương Trung Quốc đối mặt với những thách thức chưa từng có do dịch COVID-19
Ngoại thương Trung Quốc đối mặt với những thách thức chưa từng có do dịch COVID-19

Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, ông Nhậm Hồng Bân ngày 10/4 cho biết ngoại thương của Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức chưa từng có do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đã lây lan tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN