Thế giới tuần qua: Afghanistan khủng hoảng nghiêm trọng; Dịch COVID-19 căng thẳng toàn cầu

Nhiều thành phố ở Afghanistan thất thủ trước lực lượng Taliban và đợt bùng phát COVID-19 trên toàn cầu do biến thể Delta là hai vấn đề thế giới nổi bật trong tuần.

Leo thang xung đột vũ trang tại Afghanistan

Chú thích ảnh
Các tay súng Taliban sau khi chiếm được thành phố Kandahar, Afghanistan ngày 13/8/2021. Ảnh: PM News/TTXVN

Chỉ sau 8 ngày mở chiến dịch tấn công, quân Taliban đã kiểm soát hơn 2/3 lãnh thổ cùng với hơn một nửa số thủ phủ của 34 tỉnh tại Afghanistan. Mới nhất, lực lượng này hôm 14/8 đã chiếm được thành phố Pul-e-Alam, cách thủ đô Kabul khoảng 70 km. Trước đó một ngày, hai thành phố lớn thứ hai và thứ ba ở Afhganistan là Kandahar và Herat cũng rơi vào tay của Taliban.

Trước loạt thất bại trên chiến trường, chính quyền Tổng thống Ahsraf Ghani trong ngày 14/8 đã tiến hành các cuộc họp tham vấn với lãnh đạo các địa phương và các đối tác quốc tế để tìm giải pháp cho tình hình nguy cấp hiện nay. Nhà lãnh đạo Afghanistan khẳng định ưu tiên hàng đầu hiện nay là tái triển khai các đơn vị thuộc lực lượng an ninh và quốc phòng. Trước đó, cũng có thông tin cho rằng chính quyền Kabul đã nêu đề xuất chia sẻ quyền lực đối với Taliban nếu lực lượng này chấm dứt xung đột bạo lực ở Afghanistan. Đề xuất đã được chuyển tới Taliban thông qua Qatar, nước chủ nhà của tiến trình đàm phán liên Afghanistan.

Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới nhất tại Afghanistan. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 13/8 đã kêu gọi Taliban ngừng ngay lập tức các cuộc tấn công ở Afghanistan và cảnh báo tình hình tại quốc gia Nam Á này “đang vượt khỏi tầm kiểm soát". Ông Guterres nhấn mạnh đây là thời điểm để dừng giao tranh, tấn công và bắt tay vào tiến trình đàm phán nghiêm túc nhằm tránh một cuộc nội chiến kéo dài, tránh cho Afghanistan khỏi bị cô lập.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva không hài lòng với những diễn biến hiện tại ở Afghanistan và kêu gọi nối lại cuộc đàm phán hòa bình. Ông Lavrov khẳng định Nga ủng hộ giải pháp chính trị ở Afghanistan dựa trên các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và lấy làm tiếc trước việc phong trào Taliban đang tìm cách giải quyết bế tắc bằng vũ lực. Theo Ngoại trưởng Nga, giải pháp phù hợp nhất lúc này là đối thoại thông qua vai trò bảo trợ của Liên hợp quốc, có sự tham gia của mọi lực lượng chính trị, sắc tộc ở Afghanistan và các bên có sự nhượng bộ lẫn nhau.

Mỹ, nước từng có can dự sâu tại Afghanistan, đã gấp rút triển khai 3.000 lính tới Afghanistan để sẵn sàng hỗ trợ chiến dịch sơ tán nhân viên ngoại giao, chuyên viên quân sự, công dân Mỹ và nhân viên người Afghanistan. Lực lượng này đã tới thủ đô Kabul hôm 14/8, các máy bay trực thăng đang hoạt động liên tục giữa sân bay ở thủ đô Kabul và khu vực phái bộ ngoại giao của Mỹ trong Vùng Xanh.

Tuy nhiên, ít có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ tái can thiệp quân sự ở Afghanistan. Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định ông không hề hối tiếc về quyết định rút quân khỏi Afghanistan. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby ngày 14/8 cũng loại trừ khả năng mở các cuộc không kích lớn nhằm vào quân Taliban. Theo ông, Mỹ không xem không kích là liều thuốc kì diệu, có đủ sức mạnh để thay đổi cục diện trên chiến trường Afghanistan. Bên có thực lực và trách nhiệm cao nhất là chính quyền Afghanistan và Mỹ hy vọng quân chính phủ sẽ tạo ra khác biệt trên chiến trường - ông Kirby nêu quan điểm.

Đại dịch COVID-19 vẫn “nóng” ở khắp các châu lục

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Biến thể Delta tiếp tục đe dọa nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trên thế giới. Tại Mỹ, số ca mắc mới trung bình trong tuần kết thúc vào ngày 14/8 là 128.537 ca/ngày, tăng 66% so với hai ngày trước đó. Đáng lo ngại là số ca mắc phải nhập viện đã tăng trở lại, hiện ở mức 2.500 người/ngày. Theo số liệu từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, số ca nhập viện có thể sẽ vượt mức đỉnh hồi tháng 1 vừa qua sau khoảng một tháng nữa. Tình trạng nhập viện tăng cao mạnh nhất tại các bang miền nam như Florida, Louisiana, Mississippi và Arkansas – đều là những khu vực có tỉ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 thấp nhất tại Mỹ.

Tại châu Âu, Nga hiện là nổi lên là điểm nóng nhất. Nga trong ngày 14/8 ghi nhận số ca tử vong trong một ngày cao nhất từ trước đến nay, với 819 người không qua khỏi được ghi nhận trong 24 giờ qua. Số ca nhiễm mới trong ngày cũng tăng lên 22.144 ca, nâng tổng số ca bệnh tại Nga cũng đã tăng lên 6.579.212. Nga có 541.639 người nhiễm COVID-19 đang được điều trị - con số cao nhất kể từ ngày 19/1 trở lại đây.

Lây nhiễm mạnh cũng được ghi nhận tại châu Á. Nhật Bản trong ngày 13/8 ghi nhận số ca mắc mới lần đầu tiên vượt ngưỡng 20.000 ca/ngày và là ngày thứ 3 liên tiếp có số ca mắc mới cao kỉ lục. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới đợt bùng phát lần này là do biến thể Delta, chiếm phần lớn trong tổng số ca nhiễm mới ở hầu hết các tỉnh thành tại Nhật Bản. Tăng lây nhiễm gây ra lo ngại hệ thống y tế của thủ đô Tokyo và một số thành phố khác sẽ sớm rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức y tế nước này dự báo với cấp độ như hiện nay, khoảng 6.000 giường các bệnh viện ở Tokyo bố trí cho các bệnh nhân COVID-19 sẽ sớm phủ đầy người nhiễm bệnh.

Tại Thái Lan, chính quyền cảnh báo rằng số lượng các ca nhiễm mới hàng ngày có thể lên tới 70.000 ca vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 nếu không tiếp tục gia hạn biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Còn ở Philippines, Bộ Y tế nước này ngày 14/8 thông báo ghi 14.249 ca nhiễm mới và 233 ca tử vong. Đây là ngày có ca mắc mới cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Hàng trăm bệnh viện trên khắp cả nước rơi vào tình cảnh không còn chỗ cho bệnh nhân, trong đó buồng điều trị tích cực cho bệnh nhân nặng đang thiếu nghiêm trọng.

Trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu lắng dịu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục đưa ra thông điệp về sử dụng hiệu quả, bình đẳng vaccine kết hợp với nâng cao ý thức phòng bệnh. Tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cao cấp của tổng giám đốc WHO cho rằng các quốc gia cần nỗ lực để đạt được cách tiếp cận toàn cầu đối với đại dịch. Trước hết, cần khẩn trương thực hiện lời kêu gọi sử dụng hợp lý vaccine, bảo đảm bất kỳ nước nào cũng đạt được mục tiêu tiêm ngừa cho 10% dân số vào tháng 9 và 40% cuối năm 2021.

Đây là thách thức không nhỏ, bởi trong hơn 3 tỷ liều vaccine đã được phân phối trên toàn thế giới, mới chỉ có 90 triệu liều trong số đó thông qua chương trình COVAX, trong khi hơn 60 quốc gia trên thế giới phụ thuộc vào sáng kiến này để có vaccine. Đại diện của WHO cũng cho rằng chính phủ các nước cần làm tốt công tác tuyên truyền phòng dịch, để người dân tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh, đeo khẩu trang, tuân thủ giãn cách xã hội, để biến họ thành chủ thể thực hiện.

Hoài Thanh/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 14/8: Cả khối thêm 96.456 ca mắc; Thái Lan cảnh báo ca mắc mới có thể lên 70.000
COVID-19 tại ASEAN hết 14/8: Cả khối thêm 96.456 ca mắc; Thái Lan cảnh báo ca mắc mới có thể lên 70.000

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 14/8, 10 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 96.456 ca mắc COVID-19 và 1.992 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 8.617.925 ca, trong đó 186.074 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN