Thế giới đã ghi nhận trên 253,4 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h00 ngày 13/11, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 253.401.198 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 5.108.096 ca tử vong. Số ca đã bình phục là 229.185.490 ca, tuy nhiên hiện còn 77.261 ca trong tình trạng nguy kịch.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất với trên 47,8 triệu ca nhiễm và 782.933 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm nhiều thứ hai, hiện là trên 34,4 triệu ca, trong khi đó Brazil ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai thế giới với 610.935 ca.

Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, hiện là 80.570.940 ca, đứng thứ hai là châu Âu với 67.830.148 ca. Con số này ở khu vực Bắc Mỹ là trên 57,3 triệu ca và Nam Mỹ là trên 38,6 triệu ca. Xét về số ca tử vong, châu Âu đứng đầu với 1.349.463 ca, tiếp theo là châu Á với 1.189.388 ca, Nam Mỹ là 1.175.233 ca và Bắc Mỹ là 1.169.118 ca. Châu Phi và châu Đại Dương ít bị ảnh hưởng hơn. Châu Phi hiện ghi nhận trên 8,6 triệu ca nhiễm và trên 220.000 ca tử vong. Các con số lần lượt ở châu Đại Dương là 333.995 ca nhiễm và 3.920 ca tử vong.

Châu Âu đang một lần nữa trở thành tâm dịch COVID-19, khiến nhiều chính phủ phải cân nhắc tái áp đặt các biện pháp phong tỏa gây tranh cãi trước Giáng sinh. Hiện Anh và Nga có nhiều ca nhiễm nhất, lần lượt là trên 9,4 triệu ca và trên 9 triệu ca. Ngày 13/11, Nga ghi nhận thêm 1.241 ca tử vong trong một ngày, mức cao nhất kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19. Ngoài ra, số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở nước này là 39.256 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Đức, tỷ lệ lây nhiễm hằng tuần tại Đức đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch, khiến Thủ tướng Angela Merkel ngày 13/11 kêu gọi những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 hãy cân nhắc lại quyết định về việc này. Chính phủ liên bang và lãnh đạo của 16 bang trên toàn nước Đức sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận các biện pháp siết chặt phòng dịch dù 3 đảng đang tham gia đàm phán thành lập chính phủ đã nhất trí duy trì tình trạng khẩn cấp từ đầu dịch đến ngày 25/12 theo đúng kế hoạch.

Tại Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte đã tuyên bố siết chặt các quy định phòng chống dịch trong 3 tuần, đối với bệnh viện, các cửa hàng, thể thao nhằm ngăn chặn một đợt lây nhiễm kỷ lục. Ông Rutte nhấn mạnh "một đòn đánh mạnh trong một vài tuần tới, do virus SARS-CoV-2 ở khắp mọi nơi, trên khắp đất nước, trong mọi lĩnh vực, mọi độ tuổi.

Tại châu Á, dịch COVID-19 đang lây lan mạnh ở Trung Quốc, khi đợt bùng phát mới nhất đã lan ra 21 vùng cấp tỉnh. Người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Mễ Phong cho biết, Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao gấp đôi khi nhiệt độ xuống thấp trong mùa đông.

Chú thích ảnh
 Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, ngày 13/11, số ca nhiễm mới tiếp tục ở mức trên 2.000 ca trong ngày thứ 4 liên tiếp trong khi số ca bệnh nặng đã lên tới mức cao chưa từng thấy kể từ khi bùng phát dịch. Cơ quan Phòng và kiểm soát dịch bệnh (KDCA) đã ghi nhận 2.325 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 393.042 ca. Số ca nhiễm mới theo ngày luôn ở mức 4 con số kể từ ngày 7/7, trong đó cao nhất là 3.272 ca ghi nhận ngày 25/9. Nước này cũng ghi nhận 32 ca tử vong mới, mức cao nhất kể từ làn sóng lây nhiễm thứ tư bắt đầu vào tháng 7, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 3.083 ca. Tỷ lệ tử vong là 0,78%.

Số ca nguy kịch cũng lên mức cao chưa từng thấy ở Hàn Quốc là 485 ca sau khi lần đầu tiên vượt ngưỡng 400 ca vào ngày 6/11 kể từ giữa tháng 8. Đáng chú ý, khoảng một nửa số ca nhiễm mới trên cả nước trong 2 tuần qua là những người đã tiêm vaccine. Trong khi đó, ngày càng có nhiều lo ngại về nguy cơ số ca nhiễm theo ngày và số ca nặng gia tăng khi Hàn Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong tháng này, bước đầu tiên trong lịch trình "sống chung với COVID-19" gồm 3 giai đoạn nhằm từng bước trở lại bình thường mới.

Cùng ngày, Bộ Y tế Lào bắt đầu cho phép người mắc COVID-19 thể nhẹ được tự cách ly và điều trị tại nhà. Đây là một trong những biện pháp nhằm giảm tình trạng quá tải tại các trung tâm y tế, đồng thời dành giường điều trị cho các ca bệnh nặng. Theo quy định mới, những ca mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng được cách ly điều trị tại nhà phải đáp ứng các điều kiện như: người đã tiêm đủ vaccine; độ bão hòa oxy trong máu (SP02) trên 95%, nhịp thở dưới 25/phút, không bị khó thở; người có các triệu chứng nhẹ như đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; người dưới 60 tuổi không có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, phổi mạn tính, ung thư, tim mạch vành, suy thận… và người không mang thai. Người mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà được yêu cầu cách ly hoàn toàn với người thân trong 14 ngày. Trong khi đó, người vừa phục hồi COVID-19 khi cách ly tại nhà cần phải có ít nhất một người thân trong gia đình đủ sức khoẻ để chăm sóc người bệnh. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 53.207 ca, trong đó có 96 người tử vong.

Tại Campuchia, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã cho phép tất cả các sự kiện, bao gồm cả đám cưới và lễ hội tôn giáo, được tổ chức không giới hạn về số người tham gia. Tuy nhiên, karaoke và câu lạc bộ đêm vẫn phải ngừng hoạt động cho đến sau ngày 30/11/2021. Thông điệp của Thủ tướng Hun Sen được cụ thể hóa trong thông tư mới nhất của  Bộ Y tế Campuchia về việc tăng cường các biện pháp y tế khi tổ chức sự kiện các công tác xã hội tại nước này, trong đó có yêu cầu sự kiện được tổ chức tại địa điểm thoáng khí, được khử khuẩn, tránh nơi chật hẹp và không gian kín, ghế ngồi hoặc đứng cách nhau 1,5 mét, khách tham gia phải đeo khẩu trang, sẵn sàng thẻ tiêm phòng, kiểm tra nhiệt độ cơ thể và rửa tay diệt khuẩn trước khi vào sự kiện.

Chú thích ảnh
Một phụ nữ được tiêm vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 tại Moscow, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên quan đến vaccine, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang tiếp tục tiến trình xem xét, đánh giá để cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V do Nga sản xuất, sau một thời gian bị đình trệ. Sputnik V là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được Nga phê duyệt từ tháng 8/2020, đạt hiệu quả hơn 91% và hiện được sử dụng ở trên 70 quốc gia trên toàn cầu. Hiện WHO đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 6 loại vaccine ngừa COVID-19, gồm vaccine của công ty Bharat Biotech (Ấn Độ), hãng Pfizer/BioNTech (Mỹ - Đức), Moderna (Mỹ), AstraZeneca (Anh), Johnson & Johnson (Mỹ) và Sinopharm (Trung Quốc).

Bích Liên (TTXVN)
Thế giới tuần qua: Động lực phục hồi từ APEC 2021; Hội nghị COP26 chưa đạt đột phá
Thế giới tuần qua: Động lực phục hồi từ APEC 2021; Hội nghị COP26 chưa đạt đột phá

Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) là hai sự kiện thế giới nổi bật trong tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN