Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 13/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 27.679 ca mắc mới COVID-19 và 294 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 13.581.582 trường hợp và 284.142 ca tử vong. Toàn khối có 12.879.780 bệnh nhân đã bình phục.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong những ngày gần đây. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối, chỉ còn Philippines chứng kiến số ca tử vong vẫn ở mức cao, trong ngày 13/11 lên tới 238 ca. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.
Ca nhiễm mới ở Philippines tiếp tục chiều hướng giảm, chỉ còn 1997 ca trong ngày 13/11. Tuy nhiên, số ca tử vong mới lại tăng mạnh, và ở mức cao so với ca nhiễm. Từ ngày 5/11, Philippines đã dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch đối với các hoạt động phổ biến tại quốc gia này như karaoke và bóng rổ cũng như mở cửa trở lại các trường đại học tại thủ đô Manila.
Cùng ngày, Việt Nam ghi nhận 8.467 ca nhiễm mới và 88 ca tử vong mới, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 vượt 23.000 người. Cho đến nay, nước ta đã có 858.054 ca hồi phục.
Thái Lan đứng thứ hai khu vực về ca nhiễm mới, với 7.057 ca trong ngày 13/11. Nước này đã chấm dứt áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm tại 17 tỉnh, trong đó có thủ đô Bangkok, từ ngày 31/10 để hỗ trợ kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 từ đầu tháng 11. Tuy nhiên, tình hình dịch phức tạp đã khiến Chính phủ Thái Lan ngày 12/11 đã quyết định lùi thời điểm mở lại các địa điểm giải trí vào ban đêm trên toàn quốc cho tới ít nhất là giữa tháng 1/2022 do lo ngại việc mở lại những địa điểm này có thể dẫn tới bùng nổ lây nhiễm mới.
Diễn biến dịch vẫn phức tạp tại Malaysia, với ca nhiễm mới trồi sụt quanh khoảng 5.000-6.000 ca. Gần 95% dân số trưởng thành tại Malaysia đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19. Có 2,54 triệu trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi - tương đương 80,8% nhóm dân số độ tuổi này - đã tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Diễn biến dịch tại Campuchia ổn định ở mức kiểm soát rất tốt, chỉ với 60 ca nhiễm, 5 ca tử vong trong một ngày qua, là động lực mạnh mẽ để nhà chức trách thực hiện mở cửa trở lại đất nước.
Từ một điểm nóng của khu vực và thế giới, diễn biến dịch tại Indonesia đã giảm rất mạnh. Trong ngày 13/11 nước này chỉ ghi nhận 359 ca nhiễm mới và 16 ca tử vong mới. Từ ngày 3/11, Indonesia bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 6-11 tuổi nhằm thúc đẩy mở cửa hoàn toàn các trường học ở các cấp giáo dục.
Campuchia cho phép tổ chức sự kiện, hội họp không hạn chế số người tham gia
Hãng thông tấn quốc gia Campuchia ngày 12/11 cho biết, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã quyết định cho phép tất cả các sự kiện, bao gồm cả đám cưới và lễ hội tôn giáo, được tổ chức không giới hạn về số người tham gia. Tuy nhiên, karaoke và câu lạc bộ đêm vẫn phải ngừng hoạt động cho đến sau ngày 30/11/2021.
Theo quyết định của Thủ tướng Hun Sen, tất cả các hoạt động đông người bình thường tại nơi làm việc hoặc các buổi hội họp của người dân, thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân, quan chức chính phủ và lực lượng vũ trang, cũng như các hoạt động của các đảng chính trị hợp pháp được phép diễn ra và với số người tham gia không bị giới hạn. Tuy nhiên, những người tham gia phải thực hiện các quy định an toàn y tế để phòng chống dịch COVID-19 lây lan.
Chính phủ Campuchia cho phép số người tham gia hội họp, sự kiện ít hay nhiều phụ thuộc vào địa điểm tổ chức, đảm bảo thực hiện giãn cách 1,5 mét và khách mời phải tiêm phòng đầy đủ.
Campuchia cho phép tổ chức các sự kiện đông người trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong tại nước này giảm xuống mức thấp ngày thứ 13, sau khi Campuchia tuyên bố mở cửa hoàn toàn.
Malaysia: Tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 tăng lên
Bộ trưởng Y tế Malaysia, Khairy Jamaluddin ngày 13/11 khuyến nghị người dân tiếp tục đeo khẩu trang, tránh khu vực đông người trong bối cảnh tỉ lệ nhiễm COVID-19 đang tăng lên.
Bộ trưởng Khairy Jamaluddin cho biết, tỉ lệ lây nhiễm quốc gia Rt của Malaysia hiện là 1,04. RO ở Malaysia cũng đã tăng lên 1,0 vào ngày 11/11, năm tuần sau khi nước này cho phép đi lại giữa các tiểu bang. Nếu giá trị R là 1, sẽ có nghĩa là trung bình 10 người bị nhiễm sẽ lây lan COVID-19 cho 10 người khác. Giá trị R cao hơn 1 có nghĩa là số trường hợp nhiễm sẽ tăng lên. Nếu giá trị R giảm xuống dưới 1, bệnh cuối cùng sẽ ngừng lây lan vì sẽ không có đủ người nhiễm mới để duy trì đợt bùng phát. Lần cuối cùng giá trị R của trên 1 là vào ngày 31/ 8. Tỷ lệ lây nhiễm của quốc gia này đã có xu hướng giảm kể từ cuối tháng 7, nhưng đã tăng lên kể từ ngày 20/10.
Sau 3 ngày liên tiếp vượt ngưỡng 6.000 ca nhiễm mới/ngày, ngày 13/11, Malaysia ghi nhận 5.809 ca nhiễm. Theo thông báo của chính phủ, nước này hiện có tổng cộng 527 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại giường chăm sóc đặc biệt (ICU), bao gồm 277 người phải dùng máy thở.
Tình hình dịch tại Malaysia đang có xu hướng đi xuống, và nước này đã lên kế hoạch cho 3 biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn đặc hữu, cũng là giai đoạn sống chung với virus SARS-CoV-2.
Thứ trưởng Y tế Malaysia Noor Azmi Ghazali đã khuyến nghị 3 biện pháp gồm nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với những biến thể đáng quan tâm mới xuất hiện; tiếp tục mở rộng độ bao phủ vaccine, bao gồm việc tiêm mũi tăng cường; cung cấp thêm thông tin để người dân nâng cao cảnh giác với dịch bệnh.
Ông Noor cho biết, đến thời điểm hiện tại, Malaysia chỉ còn 2 bang Sarawak và Kelantan đang ở giai đoạn 3 của Kế hoạch phục hồi quốc gia, còn những bang còn lại đang ở giai đoạn 4 - giai đoạn "bình thường mới". Do vậy, Malaysia đã sẵn sàng chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu, sống chung an toàn với COVID-19.
Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng mới cho năm 2021
Thái Lan đã đặt ra mục tiêu tiêm chủng mới cho năm 2021, sau khi thông báo sẽ sớm đạt mục tiêu tiêm được 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 11/2021, sớm hơn một tháng so với kế hoạch.
Ngày 13/11, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết nước này sẽ mua được 155,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm 2021, vượt xa mục tiêu 100 triệu liều mà chính phủ đặt ra vào tháng 4. Trong số này, 128,6 triệu liều là các loại vaccine của Sinovac, AstraZeneca và Pfizer do chính phủ mua, trong khi 27 triệu liều còn lại là vaccine thay thế do khu vực tư nhân mua sắm gồm vaccine của Sinopharm và Moderna.
Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) đã đặt mục tiêu mới phải đạt được trước cuối năm 2021 là 80% dân số được tiêm ít nhất một mũi và 70% dân số được tiêm đủ hai mũi. Theo CCSA, tính đến ngày 12/11, có 84,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm ở Thái Lan kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào ngày 28/2. Cho đến nay, 45,2 triệu người, tương đương 67,3% dân số gồm 69,8 triệu người của Thái Lan, đã được tiêm mũi đầu tiên, trong khi 36,5 triệu người (54,4% dân số) đã được tiêm mũi thứ hai. Ngoài ra, 2,2 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người nước ngoài sinh sống ở Thái Lan và tỉ lệ người nước ngoài được tiêm chủng đầy đủ là 26,5%.
Kể từ khi chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi bắt đầu vào ngày 4/10, tổng cộng 4,3 triệu liều vaccine đã được tiêm. Trong số này, 2,8 triệu liều là mũi tiêm đầu tiên và 1,5 triệu liều là mũi tiêm thứ hai.
Người phát ngôn Thanakorn cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu CCSA thiết lập một hệ thống cho phép những người không có quốc tịch Thái Lan hoặc không có thẻ căn cước có thể được tiêm chủng ngừa COVID-19 trên tinh thần tự nguyện.
Lào cho phép người mắc COVID-19 thể nhẹ điều trị tại nhà
Bộ Y tế Lào bắt đầu cho phép người mắc COVID-19 thể nhẹ được tự cách ly và điều trị tại nhà. Đây là một trong những biện pháp nhằm giảm tình trạng quá tải tại các trung tâm y tế, đồng thời dành giường điều trị cho các ca bệnh nặng.
Những ca mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng được cách ly điều trị tại nhà phải đáp ứng các điều kiện như: người đã tiêm đủ vaccine COVID-19; độ bão hoà oxy trong máu (SP02) trên 95%, nhịp thở dưới 25/phút, không bị khó thở; người có các triệu chứng nhẹ như đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; người dưới 60 tuổi không có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, phổi mạn tính, ung thư, tim mạch vành, suy thận… và người không mang thai.
Người mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà được yêu cầu cách ly hoàn toàn với người thân trong 14 ngày. Trong khi đó, người vừa phục hồi COVID-19 khi cách ly tại nhà cần phải có ít nhất một người thân trong gia đình đủ sức khoẻ để chăm sóc người bệnh.
Bộ Y tế Lào khuyến nghị người vừa được điều trị khỏi COVID-19 khi cách ly tại nhà nên uống nhiều nước, ăn đủ chất; người bị sốt phải uống thuốc theo chỉ định, nếu gặp triệu chứng nghiêm trọng cần liên hệ ngay với cơ quan y tế.
Liên quan đến tình hình COVID-19 trong nước, ngày 13/11, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.032 ca mắc mới COVID-19 và 2 trường hợp tử vong. Theo bộ trên, số ca mắc COVID-19 tại nước này tiếp tục ghi nhận ở mức cao tại 17/18 tỉnh/thành, trong đó có tới 1.018 ca cộng đồng, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước với 409 ca cộng đồng, giảm 170 trường hợp so với ngày 12/11. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 53.207 ca, trong đó có 96 người tử vong.