COVID-19 tới 6h sáng 14/11: Hàn Quốc ca nguy kịch cao kỷ lục; Nga ca tử vong mới cao chưa từng thấy

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 414.000 ca nhiễm và 5.902 ca tử vong. Nước Nga đứng đầu thế giới về cả ca tử vong mới, trong khi dịch bùng mạnh tại Đức, Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Fort Myers, Florida (Mỹ). Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 14/11 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 253.643.521 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.110.156 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 414.248 và 5.902 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 226.806.571 người, 18.714.917 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 76.156 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Nga dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 39.256 ca; Anh đứng thứ hai với 38.351 ca; tiếp theo là Mỹ (31.232 ca). Nước Nga cũng tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.241 người chết trong ngày - cũng là mức cao kỷ lục mới của nước này; tiếp theo là Ukraine (695 ca) và Mỹ (472 ca tử vong). 

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 47.882.122 người, trong đó có 783.405 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.426.774 ca nhiễm, bao gồm 463.245 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.953.838 ca bệnh và 611.255 ca tử vong.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, miền Đông Đức ngày 28/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 80,6 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với trên 67,96 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 5657,4382 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 39,67 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 8,63 triệu ca và châu Đại Dương trên 334.000 ca nhiễm.

Nga: Ca tử vong theo ngày cao nhất từ đầu dịch COVID-19

Ngày 13/11, Nga ghi nhận 1.241 ca tử vong trong một ngày, mức cao nhất kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19. Ngoài ra, số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở nước này là 39.256 ca. 

Hầu hết trong hơn 80 vùng của Nga đã dỡ bỏ quy định đóng cửa công sở trong một tuần, bắt đầu từ tuần trước. Ngày 12/11, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho biết nước này đã lập ra giai đoạn chuyển tiếp từ nay cho tới ngày 1/2/2022 để tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, người dân có thể tham gia các sự kiện công cộng, đến nhà hàng và cửa hàng phi thực phẩm không chỉ bằng mã QR xác nhận đã tiêm phòng hoặc mắc bệnh COVID-19 trước đó, mà còn bằng các xét nghiệm PCR âm tính.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 1/7/2021. Ảnh: TASS/TTXVN

Tại Đức cùng ngày, Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 hãy cân nhắc lại quyết định về việc này trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm hằng tuần tại Đức  đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch. Trong một thông điệp hàng tuần bằng video, bà Merkel cho biết: "Những tuần khó khăn đang ở phía trước, và tôi rất lo ngại. Tôi khẩn cấp kêu gọi những người chưa tiêm phòng: Xin hãy cân nhắc lại".

Theo số liệu của Viện Robert Koch, tỷ lệ lây nhiễm hàng tuần trên 100.000 dân ở Đức trong tuần qua đã lên tới 277,4 ca, trong khi mức cao nhất trong làn sóng lây nhiễm thứ 3 hồi tháng 12/2020 là 197,6 ca.

Chính phủ liên bang và lãnh đạo của 16 bang trên toàn nước Đức sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận các biện pháp siết chặt phòng dịch dù 3 đảng đang tham gia đàm phán thành lập chính phủ đã nhất trí duy trì tình trạng khẩn cấp từ đầu dịch đến ngày 25/12 theo đúng kế hoạch.

Châu Âu đang một lần nữa trở thành tâm dịch COVID-19, khiến nhiều chính phủ phải cân nhắc tái áp đặt các biện pháp phong tỏa gây tranh cãi trước Giáng Sinh.

Ba Lan thông báo thời điểm sở hữu thuốc Molnupiravir

Ngày 12/11, phát ngôn viên của Bộ Y tế Ba Lan, Wojciech Andrusiewicz cho biết, chính phủ đã ký hợp đồng mua thuốc Molnupiravir để sử dụng trong điều trị COVID-19. Lô thuốc với tổng số hàng chục nghìn viên có thể sẽ được chuyển về đến Ba Lan vào giữa tháng 12. Đây là hợp đồng của riêng Ba Lan với hãng dược phẩm Merck (Hoa Kỳ). Hiện Ba Lan là một trong những quốc gia đầu tiên mua loại thuốc này và ký hợp đồng trực tiếp với hãng.

Thuốc Molnupiravir có thể dùng cho những người trên 18 tuổi, đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Những người mắc bệnh COVID-19 mức độ nhẹ đến vừa phải có thể uống trong năm ngày với liều hai lần một ngày. Thuốc này lần đầu tiên được Anh cho phép dùng để điều trị COVID-19 vào đầu tháng 11/2021.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ, ngày 6/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo các bác sĩ, thuốc làm giảm các triệu chứng và tăng tốc độ phục hồi. Đây có thể là bước ngoặt trong việc giảm tải cho các bệnh viện, giúp hạn chế đại dịch ở các nước nghèo với hệ thống chăm sóc sức khỏe kém, đồng thời sẽ giúp tăng cường khả năng thoát khỏi đại dịch cùng với phòng ngừa thông qua tiêm chủng.

Trong các thử nghiệm lâm sàng trên 775 bệnh nhân, chỉ có 7,3% số bệnh nhân đã dùng Molnupiravir phải nhập viện và không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, dữ liệu này mới chỉ được công bố trong một thông cáo báo chí. Người phát ngôn của Bộ Y tế Ba Lan thông báo rằng, chính phủ cũng đồng thời tham gia vào các cuộc đấu thầu của EU cho nhiều loại thuốc chống COVID-19 khác./.

Trung Quốc: Dịch lây lan mạnh, lan ra 21 vùng cấp tỉnh

Ngày 13/11, đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất tại Trung Quốc đã lan ra 21 vùng cấp tỉnh.
Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Mễ Phong (Mi Feng) cho biết trong khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới đã vượt 250 triệu ca, Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức lớn hơn trong việc ngăn chặn các ca nhiễm nhập cảnh. Theo ông, Trung Quốc cũng đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao gấp đôi khi nhiệt độ xuống thấp trong mùa Đông.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/1/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hàn Quốc: Số ca nguy kịch cao kỷ lục

Tại Hàn Quốc, ngày 13/11, số ca nhiễm mới tiếp tục ở mức trên 2.000 ca trong ngày thứ 4 liên tiếp trong khi số ca bệnh nặng đã lên tới mức cao chưa từng thấy kể từ khi bùng phát dịch. Cơ quan Phòng và kiểm soát dịch bệnh (KDCA) đã ghi nhận 2.325 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 393.042 ca. Số ca nhiễm mới theo ngày luôn ở mức 4 con số kể từ ngày 7/7, trong đó cao nhất là 3.272 ca ghi nhận ngày 25/9.

Chú thích ảnh
hân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 6/11/2021. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Nước này cũng ghi nhận 32 ca tử vong mới, mức cao nhất kể từ làn sóng lây nhiễm thứ tư bắt đầu vào tháng 7, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 3.083 ca. Tỷ lệ tử vong là 0,78%.

Số ca nguy kịch cũng lên mức cao chưa từng thấy ở nước này là 485 ca sau khi lần đầu tiên vượt ngưỡng 400 ca vào ngày 6/11 kể từ giữa tháng 8. Đáng chú ý, khoảng một nửa số ca nhiễm mới trên cả nước trong 2 tuần qua là những người đã tiêm vaccine. Trong khi đó, ngày càng có nhiều lo ngại về nguy cơ số ca nhiễm theo ngày và số ca nặng gia tăng khi Hàn Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong tháng này, bước đầu tiên trong lịch trình "sống chung với COVID-19" gồm 3 giai đoạn nhằm từng bước trở lại bình thường mới.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng lặng tại một nhà hàng ở Amsterdam, Hà Lan khi lệnh giãn cách được thực thi nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 24/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

WHO tiếp tục tiến trình đánh giá vaccine Sputnik V của Nga

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tổ chức này tiếp tục tiến trình xem xét, đánh giá để cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V do Nga sản xuất, sau một thời gian bị đình trệ. 

Trợ lý Tổng Giám đốc WHO, bà Mariangela Simao đưa ra thông tin trên khi phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 12/11 và cho biết cần trao đổi thêm thông tin với đơn vị sản xuất vaccine Sputnik V của Nga. Theo bà Simao, WHO vẫn cần nhận được hồ sơ đầy đủ về vaccine Sputnik V và có những vấn đề cần được xử lý liên quan đến việc kiểm tra tại các cơ sở sản xuất. Bà cho biết

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một trung tâm ở Seoul ngày 7/11/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Italy tăng cường tiêm vaccine khi số ca nhiễm tăng mạnh

Ngày 12/11, Bộ Y tế và Viện y tế quốc gia (ISS) Italy đã công bố báo cáo giám sát dữ liệu COVID-19 mới nhất, trong đó cho biết tỷ lệ mắc COVID-19 của nước này đã tăng lên 78/100.000 dân trong tuần kết thúc vào ngày 11/11, so với 53/100.000 của tuần trước. 

Số liệu của báo cáo chỉ ra rằng, chỉ số Rt, biểu thị tốc độ lây truyền của virus SARS-CoV 2, đã tăng lên 1,21, so với mức 1,15 của tuần trước. Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện viện điều trị cũng tăng 6,1%, và số bệnh nhân nặng phải cấp cứu tăng 4,4%. 

Với hàng triệu người dân Italy vẫn chưa tiêm vaccine, các chính trị gia và chuyên gia y tế nước này cho rằng cần phải tăng tỷ lệ người đã tiêm vaccine để có thể giảm số ca lây nhiễm và bệnh nặng. Franco Locatelli, người đứng đầu Ủy ban khoa học kỹ thuật (CTS) của Chính phủ Italy đã nói:

Campuchia cho phép tổ chức sự kiện, hội họp không hạn chế số người tham gia 

Hãng thông tấn quốc gia Campuchia ngày 12/11 cho biết, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã quyết định cho phép tất cả các sự kiện, bao gồm cả đám cưới và lễ hội tôn giáo, được tổ chức không giới hạn về số người tham gia. Tuy nhiên, karaoke và câu lạc bộ đêm vẫn phải ngừng hoạt động cho đến sau ngày 30/11/2021.

Theo quyết định của Thủ tướng Hun Sen, tất cả các hoạt động đông người bình thường tại nơi làm việc hoặc các buổi hội họp của người dân, thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân, quan chức chính phủ và lực lượng vũ trang, cũng như các hoạt động của các đảng chính trị hợp pháp được phép diễn ra và với số người tham gia không bị giới hạn. Tuy nhiên, những người tham gia phải thực hiện các quy định an toàn y tế để phòng chống dịch COVID-19 lây lan. 

Chính phủ Campuchia cho phép số người tham gia hội họp, sự kiện ít hay nhiều phụ thuộc vào địa điểm tổ chức, đảm bảo thực hiện giãn cách 1,5 mét và khách mời phải tiêm phòng đầy đủ. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia:  Tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 tăng

Bộ trưởng Y tế Malaysia, Khairy Jamaluddin ngày 13/11 khuyến nghị người dân tiếp tục đeo khẩu trang, tránh khu vực đông người trong bối cảnh tỉ lệ nhiễm COVID-19 đang tăng lên.

Bộ trưởng Khairy Jamaluddin cho biết, tỉ lệ lây nhiễm quốc gia Rt của Malaysia hiện là 1,04. RO ở Malaysia cũng đã tăng lên 1,0 vào ngày 11/11, năm tuần sau khi nước này cho phép đi lại giữa các tiểu bang. Nếu giá trị R là 1, sẽ có nghĩa là trung bình 10 người bị nhiễm sẽ lây lan COVID-19 cho 10 người khác. Giá trị R cao hơn 1 có nghĩa là số trường hợp nhiễm sẽ tăng lên. Nếu giá trị R giảm xuống dưới 1, bệnh cuối cùng sẽ ngừng lây lan vì sẽ không có đủ người nhiễm mới để duy trì đợt bùng phát. Lần cuối cùng giá trị R của  trên 1 là vào ngày 31/ 8. Tỷ lệ lây nhiễm của quốc gia này đã có xu hướng giảm kể từ cuối tháng 7, nhưng đã tăng lên kể từ ngày 20/10.

Sau 3 ngày liên tiếp vượt ngưỡng 6.000 ca nhiễm mới/ngày, ngày 13/11, Malaysia ghi nhận 5.809 ca nhiễm. Theo thông báo của chính phủ, nước này hiện có tổng cộng 527 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại giường chăm sóc đặc biệt (ICU), bao gồm 277 người phải dùng máy thở.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 21/6/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng mới cho năm 2021

Thái Lan đã đặt ra mục tiêu tiêm chủng mới cho năm 2021, sau khi thông báo sẽ sớm đạt mục tiêu tiêm được 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 11/2021, sớm hơn một tháng so với kế hoạch.

Ngày 13/11, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết nước này sẽ mua được 155,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm 2021, vượt xa mục tiêu 100 triệu liều mà chính phủ đặt ra vào tháng 4. Trong số này, 128,6 triệu liều là các loại vaccine của Sinovac, AstraZeneca và Pfizer do chính phủ mua, trong khi 27 triệu liều còn lại là vaccine thay thế do khu vực tư nhân mua sắm gồm vaccine của Sinopharm và Moderna.

Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) đã đặt mục tiêu mới phải đạt được trước cuối năm 2021 là 80% dân số được tiêm ít nhất một mũi và 70% dân số được tiêm đủ hai mũi.

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm chủng COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 26/7/2021. Ảnh: Reuters 

Kể từ khi chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi bắt đầu vào ngày 4/10, tổng cộng 4,3 triệu liều vaccine đã được tiêm. Trong số này, 2,8 triệu liều là mũi tiêm đầu tiên và 1,5 triệu liều là mũi tiêm thứ hai.

Người phát ngôn Thanakorn cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu CCSA thiết lập một hệ thống cho phép những người không có quốc tịch Thái Lan hoặc không có thẻ căn cước có thể được tiêm chủng ngừa COVID-19 trên tinh thần tự nguyện.

Lào cho phép người mắc COVID-19 thể nhẹ điều trị tại nhà

Bộ Y tế Lào bắt đầu cho phép người mắc COVID-19 thể nhẹ được tự cách ly và điều trị tại nhà. Đây là một trong những biện pháp nhằm giảm tình trạng quá tải tại các trung tâm y tế, đồng thời dành giường điều trị cho các ca bệnh nặng.

Những ca mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng được cách ly điều trị tại nhà phải đáp ứng các điều kiện như: người đã tiêm đủ vaccine COVID-19; độ bão hoà oxy trong máu (SP02) trên 95%, nhịp thở dưới 25/phút, không bị khó thở; người có các triệu chứng nhẹ như đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; người dưới 60 tuổi không có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, phổi mạn tính, ung thư, tim mạch vành, suy thận… và người không mang thai. 

Chú thích ảnh
Một nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân ở thủ đô Vientiane, Lào. Ảnh: Phạm Kiên/Pv TTXVN tại Lào

Người mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà được yêu cầu cách ly hoàn toàn với người thân trong 14 ngày. Trong khi đó, người vừa phục hồi COVID-19 khi cách ly tại nhà cần phải có ít nhất một người thân trong gia đình đủ sức khoẻ để chăm sóc người bệnh.

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: Động lực phục hồi từ APEC 2021; Hội nghị COP26 chưa đạt đột phá
Thế giới tuần qua: Động lực phục hồi từ APEC 2021; Hội nghị COP26 chưa đạt đột phá

Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) là hai sự kiện thế giới nổi bật trong tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN